TTVHPGVN
Hiện nay, tăng ni Phật tử Việt Nam đều biết đến tiếng tăm và hoạt động của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken, với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, sinh động, thu hút nhiều người tham dự như diễn giảng, văn nghệ, họp mặt, ẩm thực chay, làm từ thiện, giúp đỡ Hội nhập, bảo tồn Văn hóa Việt Nam, quy tụ cộng đồng và Phật tử mọi lứa tuổi…
Thượng Tọa- Tiến sỹ Thích Nhật Từ viếng thăm và giảng Pháp
Tại châu Âu, Phật tử và những người Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo rất đông, nhưng hiện tại mới chỉ có duy nhất Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken, trụ sở tại thành phố Nürnberg, bang Bayern (C.H.L.B. Đức).
Dự án xây dựng trong tương lai
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken là chi nhánh của Tổ Đình Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam, là Tổ chức duy nhất cố gắng thực hiện bằng được tâm nguyện của nhị vị sơ Tổ khai sơn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm. (Đệ nhất đại trụ trì Hòa Thượng Thích Tâm Giác và Đệ nhị đại trụ trì Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm Tổ Đình Vĩnh Nghiêm).
Mô hình trung tâm sinh hoạt Phật giáo, thay vì là chùa, không phải chỉ mới có ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken, mà trước đây hơn 50 năm, đã xuất hiện một mô hình như vậy tại Việt Nam Quốc Tự do nhị vị sơ Tổ khai sơn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm khởi xướng và sau đó là Trung tâm Quảng Đức (nay là Thiền viện Quảng Đức - 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa TP HCM) và gần đây là Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại Huế, các trung tâm tại châu Mỹ, châu Úc…..
Tại sao những vị sáng lập những Trung tâm nói trên, với một bất động sản ở vị trí tốt như vậy, lại không xây dựng một ngôi chùa, mà lại xây một trung tâm, có dáng dấp như một kiểu “nhà văn hóa” như chúng ta vẫn thấy hiện nay?
Tìm hiểu sâu hơn, chúng ta nhận thấy, ngay từ những năm cuối của thập niên 40 – Thế kỷ 20. Thượng Tọa Thích Tâm Giác (sau này là Hòa Thượng, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn) nhân một cơ duyên tốt, được cử giữ chức Phó Giám đốc nhà in Đuốc Tuệ, phụ bút nguyệt san Phương Tiện, cơ quan của Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt do Hòa thượng Tố Liên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong thời gian này Ngài còn tham gia các công tác từ thiện xã hội.
Vốn đã thông thạo Hán tự, biết qua Pháp văn, lại ôm ấp hoài vọng xuất dương tu học và tham khảo Phật sự các nước, nên lúc còn học tại chùa Quán Sứ, Ngài đã cùng bạn đồng môn là Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm rủ nhau tranh thủ đi học thêm Anh văn và Nhật ngữ.
Cơ duyên tốt lành đã đến. Năm 1953, trong một cuộc họp liên hội gồm Hội Việt Nam Phật Giáo và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, hội nghị đã công cử Ngài cùng Hòa Thượng Thanh Kiểm sang Nhật Bản để nghiên cứu về công cuộc chấn hưng Phật giáo tại quốc gia đó.
Tại Nhật Bản, hai vị đều kiên tâm, trì chí, chuyên tu chuyên học cả về Phật pháp và thế học.
Sau chín năm tu học tại Nhật, Ngài đã tốt nghiệp Đại học Phật pháp tại Tokyo, lãnh cấp bằng Tiến sĩ Xã hội học, Tiến sĩ Triết học Đông Phương và Tam đẳng huyền đai tại viện Nhu đạo KODOKAN.
Cuối năm 1964, thực hiện giấc mộng hằng ôm ấp từ lâu là tạo lập cho thanh niên Việt Nam có một thể lực tự vệ, thể hiện ý chí kiên cường của thế hệ trẻ có đủ ba đức Bi Trí Dũng, Ngài thành lập viện Nhu đạo Quang Trung, đào tạo được hàng trăm nghìn thanh niên đủ các đẳng cấp đai, mà dư âm của trường Nhu đạo này còn vang đến ngày nay trên các võ đài quốc gia cũng như quốc tế.
Với hoài bão Phật giáo cần có cơ sở hạ tầng đúng với tầm vóc, Hòa Thượng Thích Tâm Giác luôn ấp ủ trong đầu một ý nguyện xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một đại tòng lâm Phật giáo giữa một thành phố lớn vào bậc nhất cả nước, thành một Trung tâm văn hóa Phật giáo và một Trung tâm du lịch. Ở cương vị đại diện miền Vĩnh Nghiêm, Ngài đã chủ xướng và vận động thập phương tín hữu phát tâm cúng dường, xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, là ngôi chùa lớn và đẹp nhất Sài gòn, mà ngày nay du khách trong và ngoài nước thường đến tham quan lễ bái công trình văn hóa tín ngưỡng này. Và cũng để cho những Phật tử quê hương ở miền Bắc có điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo truyền thống văn hóa nghi lễ đặc thù, ngôi chùa này đã trở thành Tổ đình của Tăng Ni Phật tử đất Bắc ở tại miền Nam. Cũng trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự này, Ngài cho tiến hành xây ngôi bảo tháp 9 tầng, vươn cao giữa bầu trời Sài gòn. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài đã viên tịch, rồi tiếp theo các biến cố của thời cuộc, nên công việc phải đình lại.
Việt Nam Quốc Tự - TP Hồ Chí Minh
Với tầm nhìn hoằng pháp tinh tế và sâu sắc, rằng ngoài chùa, cần có một loại hình cơ sở khác để hoằng hóa đạo pháp, nhất là đối với giới trẻ đang sinh sống tại hải ngoại. Đưa những người con Việt sống xa quê hương quay về cội nguồn. Đưa văn hóa Phật giáo dân tộc phát triển sâu rộng vào lòng người châu Âu… Chư Tôn đức Tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) đã xây dựng một Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam đầu tiên tại châu Âu, đó là TTVHPGVN Franken (C.H.L.B. Đức). Trung tâm hoạt động với phương châm lấy giáo lý chư Phật làm tâm điểm hành trì. Vì vậy về Tâm linh, chùa Vĩnh Nghiêm - Nürnberg không thể tách rời khỏi Trung tâm VHPGVN Franken.
Như chúng ta đã thấy, Chùa là nơi có chức năng chính là thờ tự và tu tập. Những chức năng khác trở thành những chức năng phụ, và đôi khi không thích hợp với không gian một tự viện, tu viện.
Tổ chức những buổi ca nhạc Phật giáo tại chùa? Cũng được. Nhưng là “cũng”, vì không hoàn toàn thích hợp. Nó bất tiện cho những người Phật tử tổ chức, lẫn tăng ni tu học trong chùa. Tổ chức văn nghệ thì phải dàn dựng, tập dượt trong suốt một thời gian, trước khi trình diễn chính thức. Chuyện đó là chẳng đặng đừng nếu diễn ra thường xuyên tại chùa.
Cũng vậy, Gia đình Phật tử tổ chức huấn luyện kỹ năng thanh niên hay tổ chức sinh hoạt thường xuyên tại chùa, cũng được, nhưng vẫn là “cũng”!
Ngoài ra, sinh hoạt Phật giáo, Phật sự hoằng hóa không chỉ là tụng niệm, thuyết pháp, mà đôi khi còn có nhiều hoạt động khác, như họp mặt diễn giảng, triển lãm, nhằm vào đối tượng chưa phải hẳn là Phật tử, mà chỉ là những người chịu ảnh hưởng của đạo Phật, tìm hiểu đạo Phật qua lăng kính văn hóa.
Như vậy, để hoằng pháp một cách toàn diện, thu hút được đủ mọi đối tượng triển khai mọi hoạt động mà xét ra có ích cho đạo Phật trong việc tạo ảnh hưởng trong xã hội, cần có một cơ sở như dạng “nhà văn hóa Phật giáo”.
Ngày nay, khi hình thức nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, đã trở nên phổ biến, thì chúng ta có thể qua đó mà hình dung một trung tâm văn hóa Phật giáo, và nếu tập trung hơn, một trung tâm văn hóa cộng đồng Phật giáo.
Một trung tâm văn hóa, chẳng hạn Viện Văn hóa Pháp trước đây, nay là Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp, hay Nhà văn hóa Thanh niên, ở đó, người ta có thể tổ chức rất nhiều loại hình sinh hoạt để tập họp đông đảo người đến tham dự và nhằm vào những mục tiêu nhất định. Chẳng hạn, hoạt động của Viện Văn hóa Pháp là nhằm tạo ảnh hưởng của nước Pháp ở địa phương sở tại.
Nếu thay đại lượng Văn hóa Pháp bằng văn hóa Phật giáo, cao hơn, là ảnh hưởng Phật giáo, và cao hơn nữa, hoằng pháp truyền bá Phật giáo cho những đối tượng mở rộng như đã nói cho một cơ sở sinh hoạt như thế, thì Phật giáo chúng ta cần có trung tâm văn hóa Phật giáo.
Trung tâm Quảng Đức ra đời từ giữa thập niên 1960 hay sự hình thành của Trung tâm VHPGVN Franken cũng là vì vậy.
Huế có một Trung tâm Văn hóa Phật giáo vì Huế vốn là nơi có sinh hoạt Phật giáo rất mạnh.
Nhưng chùa Huế thì rất thâm u, tĩnh lặng…
Mâu thuẫn đó tất yếu phát sinh nhu cầu phải có trung tâm văn hóa, thay vì là chùa.
Hướng hoạt động của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken:
1- Chùa Vĩnh Nghiêm sẽ đại diện cho dòng phái Phật Việt Nam, đại diện cho GHPGVN hoạt động tại châu Âu. Hướng bà con cộng đồng sống gần gũi với cái thiện trong đạo Phật. Hợp tác với các hội đoàn khác xây dựng nên những Đạo tràng liên kết chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh cho cộng đồng cùng chí hướng hướng về quê cha đất Tổ.
Chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm - Nürnberg / Đức Quốc
Hòa Thượng - Tiến Sỹ Thích Chơn Thiện giảng Pháp
2- Văn hóa-Từ thiện-Xã hội:
+ Xây dựng đội ca nhạc mang tên „Vĩnh Nghiêm“ phục vụ bà con cộng đồng trong các lễ hội lớn, góp phần truyền bá văn hóa Việt Nam (VHVN) tới cộng đồng quốc tế.
+ Thành lập các lớp tiếng Việt cho thế hệ trẻ em sinh ra tại Đức. Mở lớp tiếng Đức cho cộng đồng người Việt, giúp đỡ bà con hòa nhập với cuộc sống sở tại.
+ Tổ chức các buổi truyền bá văn hóa ẩm thực dân tộc tới cộng đồng quốc tế qua các Lễ hội tại địa phương.
+ Tổ chức mời các đoàn văn hóa nghệ thuật từ trong nước qua, kết hợp với đội ca nhạc của Trung tâm biểu diễn phục vụ cộng đồng trong các sự kiện lớn…
+ Xây dựng Quỹ từ thiện ``Quê hương và Tôi´´ để ủng hộ trẻ em nghèo,người già cô đơn, thiên tai hỏa hoạn…
Đoàn Từ thiện Tổ Đình Vĩnh Nghiêm do Thượng Tọa Thạc Sỹ Thích Thanh Phong Đệ tam trụ trì dẫn đầu tại Brno/CZ
+ Tổ chức những cuộc thăm hỏi hiếu hỷ ..v.v...
+ Tổ chức sinh hoạt văn hóa Việt cho cộng đồng ..v.v… nhằm nuôi dưỡng sự trường tồn của Dân tộc.
+ Xây dựng mỗi thành viên trong cộng đồng là một „Đại sứ Việt nam“ trong cộng đồng quốc tế…
Phải mất một thời gian, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken mới có được hoạt động như hôm nay và chắc chắn hoạt động, tuy có kết quả ban đầu như thế, nhưng cũng không thể thỏa mãn yêu cầu hoằng pháp.
Tuy vậy, có được một trung tâm Văn hóa như thế cũng là rất quý.
Làm trung tâm văn hóa Phật giáo chắc chắn là khó hơn xây dựng và điều hành một ngôi chùa, cả về tổ chức hoạt động, quản lý, kinh phí… (chẳng hạn, chùa thì bá tánh có thể cúng dường thuận tiện, nhưng Trung tâm Văn hóa Phật giáo thì có thể kinh phí hoạt động phải nhiều hơn, nhưng mức ủng hộ cúng dường tài chính có thể ít hơn nhiều).
Nhưng như đã phân tích ở trên, những Trung tâm Văn hóa Phật giáo, với đủ các mặt hoạt động của nó, rất cần cho sự nghiệp hoằng hóa chính pháp. Đó chính là hoằng pháp toàn diện.
Vì vậy, với những ghi nhận bước đầu như trên, mong rằng quý tăng ni Phật tử trong và ngoài nước quan tâm đến loại hình Trung tâm văn hóa Phật giáo, cũng như Trung tâm Văn hóa Phật giáo đã có đẩy mạnh, mở rộng nâng cao hoạt động của mình, trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Tiến trình từ văn hóa nói chung chuyển biến thành văn hóa Phật giáo với nhiều sắc độ khác nhau, có nhiều tầng nấc, đòi hỏi phải có sự thích ứng nhạy bén và khéo léo từ phía Phật giáo. Vì vậy, xây dựng, mở rộng mô hình Trung tâm Văn hóa Phật giáo theo hình mẫu của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken chỉ là một trong những cố gắng toàn diện hóa, đa dạng hóa hoạt động hoằng pháp.
Thiết nghĩ, ngoài nỗ lực tự tại để phát triển, những Trung tâm này rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng. Vì là tổ chức hoạt động đa văn hóa, do vậy không thể chỉ có duy nhất Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận trách nhiệm. Đối với Trung tâm VHPGVN Franken là trung tâm hoạt động xa quê hương thì sự giúp đỡ là cấp thiết…
“Góp lại mười phương nguồn sống mới;
Cho tình dân tộc tắm sông trong.”
Tổng hợp
Nhân Lễ Huý Kỵ Hòa Thượng Thích Thượng Tâm Hạ Giác Thu Tân Mão
Ý kiến bạn đọc