Nội qui Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Đăng lúc: Thứ hai - 28/05/2012 10:23 - Người đăng bài viết: Redakteur

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

---------------------------

NỘI QUY

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

 CHƯƠNG I

DANH HIỆU - TRỤ SỞ - MỤC ĐÍCH

Điều 1: Danh hiệu và trụ sở

a. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam viết tắt là “VNCPHVN.”

b. VNCPHVN được thành lập theo điều 19 chương V của Hiến chương GHPGVN, được thông qua tại Đại hội Đại biểu lần thứ II GHPGVN và được Hội đồng Bộ trưởng công nhận.

c. VNCPHVN có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng theo quyết định thành lập số 38/QĐ/UB do Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cấp.

d. Trụ sở Văn phòng của VNCPHVN đặt tại số 750 Nguyễn Kiệm, Phường 04, Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.

Điều 2: Do nhu cầu nghiên cứu Phật học tại miền Bắc, Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập, Văn phòng đặt tại Chùa Quán Sứ, 73 Phố Quán Sứ, Hà Nội.

Điều 3: Mục đích của VNCPHVN bao gồm:

1.     Bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức, triết lý và tâm linh của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng.

2.     Phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam từ các Đại Tạng Kinh Hán, Phạn, Pali ngữ.

3.     Phát huy tính sáng tạo trong việc xiển dương và truyền bá Phật pháp bằng cách vận dụng phương pháp luận của các ngành học hiện đại như triết học, đạo đức tâm lý học, xã hội học, chính trị học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, môi trường học v. v… để khám phá Đạo Phật.

4.     Nghiên cứu sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho nền văn hóa lịch sử Việt Nam; đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử dân tộc Việt Nam về các phương diện xã hội, nghệ thuật, kiến trúc, văn học, đạo đức và nhận thức v .v…

5.     Nghiên cứu quá trình du nhập và phát triển của các nước Phật giáo trên thế giới, cũng như sự đóng góp của Phật giáo tại các nước đó.

6.     Thiết lập các mối quan hệ và giao lưu về bản sắc văn hóa Việt Nam và truyền thống tâm linh của Phật giáo Việt Nam với các nền văn hóa của các nước khác, cũng như các truyền thống tâm linh Phật giáo tại các nước này.

CHƯƠNG II

HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ THÀNH PHẦN NHÂN SỰ

Điều 4: VNCPHVN chịu sự lãnh đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Điều 5: VNCPHVN gốm có hai Hội đồng:

a. Hội đồng Quản trị có trách nhiệm điều hành toàn bộ các hoạt động của Viện. Viện có một văn phòng có chức năng thực hiện các hoạt động hành chánh và tài chánh.

b. Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam có trách nhiệm triển khai công tác phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt.

Điều 6: VNCPHVN gồm có 47 uỷ viên chính thức và các uỷ viên dự khuyết: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Ban Thư ký, Chánh Phó Văn phòng và các Trưởng ban.

a. Viện Trưởng :

- Chịu trách nhiệm điều hành mọi mặt hoạt động của Viện.

- Triệu tập các cuộc họp thường kỳ và bất thường của Hội đồng Quản trị.

- Là người lãnh đạo Hội đồng Quản trị trên tinh thần dân chủ hòa hợp, có quyền quyết định tối hậu mọi hoạt động của Viện.

1.     Các Phó Viện Trưởng có các trách nhiệm sau:

- Giúp Viện Trưởng điều hành mọi hoạt động của Viện theo từng chức năng được phân công.

- Thay mặt cho Viện trưởng trong các mặt hoạt động của Viện về đối nội cũng như đối ngoại khi Viện trưởng vắng mặt và có ủy quyền.

- Phó Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh trực tiếp chỉ đạo hoạt động của văn phòng Viện.

1.     Ban Thư ký của Viện gồm Tổng Thư ký và các Phó Tổng Thư ký, có các trách nhiệm sau:

- Hướng dẫn giúp đỡ Văn phòng chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Hội đồng Quản trị (dự thảo các chương trình công tác, chuẩn bị các đề án dựa trên chương trình hoạt động hàng năm được Hội đồng Quản trị thông qua).

- Giúp cho sự chỉ đạo của Viện trưởng và Hội đồng Quản trị đối với các hoạt động của Văn phòng Viện để giải quyết các vấn đề hành chánh và tài chánh.

- Có trách nhiệm đôn đốc việc tổ chức triển khai các mặt hoạt động của Viện.

- Có trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động của các Ban và các bộ phận trực thuộc Viện, tham mưu ý kiến trình Hội Đồng Quản trị thẩm tường và cho thực hiện các kế hoạch nghiên cứu của từng Ban.

1.     Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động liên qua đến văn phòng.

2.     Các Trưởng Ban có nhiệm vụ sau:

- Điều hành các mặt hoạt động thuộc phạm vi chuyên môn của Ban.

- Báo cáo kịp thời với Hội đồng Quản trị về tình hình họat động của Ban để cho tiện sự phối hợp và hỗ trợ chung.

- Xây dựng kế hoạch của Ban, trình Hội đồng Quản trị thông qua. Đề cử nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban trước Hội đồng Quản trị.

Điều 7: VNCPHVN có 10 Ban trực thuộc:

1) Ban Phật học chuyên môn,

2) Ban Hán nôm,

3) Ban Phật giáo Nam tông,

4) Ban Thiền Học,

5) Ban Phật giáo Việt Nam,

6) Ban Phật giáo thế giới,

7) Ban In ấn & phát hành,

8) Ban thư viện,

9) Ban bảo trợ,

10) Ban Phiên dịch Anh ngữ.

Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, các Ban Chuyên môn mới có thể được hình thành, theo đề nghị của Hội Đồng Quản Trị, dưới sự phê chuẩn của Hòa thượng Viện trưởng.

Điều 8:  Viện trưởng VNCPHVN do Đại hội Đại biểu GHPGVN suy cử. Các thành viên còn lại do Viện trưởng đề nghị, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phê chuẩn.

Điều 9: Thành phần nhân sự của các Ban chuyên môn do các Trưởng Ban đề nghị và được Viện trưởng quyết định. Số lượng thành viên của các Ban này có thể tăng giảm tùy theo nhu cầu thực tế.

Điều 10: Để các Phật sự của các Ban trực thuộc Viện đạt hiệu quả cao, các vị Trưởng ban, Phó ban và Thư ký có thể có các vị trợ lý.

CHƯƠNG III

CHỨC NĂNG CỦA 10 BAN TRỰC THUỘC VNCPHVN

Điều 11: Chức năng chính của Viện là thành lập các dự án và thực hiện các công trình nghiên cứu. Hằng năm Viện phải báo cáo thành quả nghiên cứu trong năm cho Hội Nghị Thường Niên của Hội đồng Trị sự.

Điều 12: Ban Phật học chuyên môn chịu trách nhiệm nghiên cứu, biên soạn hoặc phiên dịch các tác phẩm Phật học dưới góc độ của các ngành học (ứng dụng) hiện đại, như Triết học Phật giáo, Tâm lý học Phật giáo, Đạo đức học Phật giáo, Xã hội học Phật giáo, Phật giáo và khoa học, Phật giáo và môi trường v.v…

Điều 13: Ban Hán nôm có nhiệm vụ chủ yếu nghiên cứu và phiên dịch Đại Tạng Kinh chữ Hán và các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm có giá trị ra tiếng Việt.

Điều 14: Ban Phật giáo Nam tông có nhiệm vụ nghiên cứu và phiên dịch Đại Tạng Pali và các tác phẩm khác có giá trị ra tiếng Việt.

Điều 15: Ban Thiền học có nhiệm vụ nghiên cứu các loại hình Thiền học Phật giáo và sự ứng dụng của Thiền học trong cuộc sống.

Điều 16: Ban Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu và biên soạn tác phẩm Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam từ lúc du nhập cho đến thời hiện đại.

Điều 17: Ban Phật giáo thế giới có nhiệm vụ tổ chức biên soạn hoặc phiên dịch các tác phẩm giới thiệu về Phật giáo ở các nước trên thế giới.

Điều 18: Ban In ấn & phát hành chịu trách nhiệm in ấn và phát hành các thành phẩm nghiên cứu của Viện.

ĐIều 19: Ban Thư viện chịu trách nhiệm phân công và điều hành nhân sự quản lý Thư viện, đồng thời lên kế hoạch “xin” hoặc mua các sách Phật học đã được xuất bản và lưu vào Thư viện để giúp cho các thành viên và các nhà nghiên cứu có điều kiện tham khảo.

Điều 20: Ban Bảo trợ chịu trách nhiệm dự thảo kế hoạch tài chánh, vận động tịnh tài cúng dường của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, để làm cơ sở điều hành các hoạt động chính yếu của Viện và tạo vốn xuất bản công trình nghiên cứu và phiên dịch của Viện.

Điều 21: Ban Phiên dịch Anh ngữ có nhiệm vụ phiên dịch các tác phẩm Phật giáo từ tiếng Việt ra tiếng Anh và ngược lại.

CHƯƠNG IV

CÁC PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN

Điều 22: VNCPHVN có các phương hướng hoạt động như sau:

1.     Nghiên cứu, phiên dịch, in ấn và phát hành các tác phẩm Kinh Luật Luận cũng như các công trình nghiên cứu Phật học.

2.     Tổ chức các buổi tọa đàm hay hội thảo quốc tế về những đề tài liên quan đến Phật giáo.

3.     Hợp tác và trao đổi nghiên cứu (sinh) với các trường Đại học hoặc Học viện Phật giáo trong và ngoài nước.

4.     Thẩm định các tác phẩm Phật học và đào tạo các nhà nghiên cứu.

5.     Thành lập các Trung tâm nghiên cứu Phật học.

CHƯƠNG V

TÀI CHÁNH, TÀI SẢN VÀ LƯƠNG BỔNG

Điều 23: VNCPHVN được quyền tiếp nhận các nguồn tài chánh của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành phố trong nước, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, các tổ chức từ thiện, các hội đoàn hay các đơn vị hoặc cá nhân hỷ cúng.

Điều 24: Tài sản của VNCPHVN bao gồm động sản, bất động sản, do Viện tạo ra một cách hợp pháp.

Điều 25: Nhân viên Văn phòng của Viện được hưởng phụ cấp theo quy định của Viện.

Điều 26: Khi mãn nhiệm kỳ, tài chánh của VNCPHVN phải được bàn giao cho  Hội đồng Quản trị của nhiệm kỳ mới để tiếp tục hoạt động. Tài chánh và tài sản của VNCPHVN chỉ được sử dụng vào các mục đích nghiên cứu, hội thảo, in ấn như đã nêu trong điều 23, không được sử dụng vào mục đích khác, trừ trường hợp cần thiết phải được 2/3 thành viên Hội đồng Quản trị bỏ phiếu tán thành.

Điều 27: Kế toán và Thủ quỹ của VNCPHVN có trách nhiệm quản lý tốt tài chánh của Viện, chi quỹ đúng quy định và theo duyệt chi của Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng, báo cáo tài chánh theo quy định và trong các buổi họp định kỳ của Ban.

Điều 28: Hội đồng Quản trị có nhiệm vụ kiểm soát theo định kỳ hoặc đột xuất các vấn đề tài chánh.

CHƯƠNG VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 29: Ban Thường trực Hội đồng Quản trị của Viện có trách nhiệm theo dõi các hoạt động nghiên cứu của các Ban, đề xuất và quyết định khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, in ấn và phát hành.

Điều 30: Các thành viên của các Ban có những đóng góp hoặc tham gia tích cực cho công tác nghiên cứu sẽ được tuyên dương công đức.

Điều 31: Các thành viên nào lợi dụng danh nghĩa của VNCPHVN để làm trái pháp luật sẽ bị chế tài.

CHƯƠNG VII

HỘI HỌP

Điều 32: VNCPHVN nhóm họp ít nhất một lần vào cuối năm, trước ngày Hội nghị Thường niên của Trung ương GHPGVN để tổng kết và kiểm điểm công tác nghiên cứu và hoạt động của Viện trong năm qua. Kỳ họp cuối năm trước khi mãn nhiệm kỳ phải được diễn ra trước ngày Đại hội đại biểu GHPGVN, để kiểm điểm công tác 5 năm qua và đề xuất chương trình hoạt động cho nhiệm kỳ mới.

Điều 33: Trước khi thực hiện các đề án quan trọng, Hội đồng Quản trị sẽ họp và phác thảo kế hoạch, phân công trách nhiệm. Sau khi hoàn tất các đề án nghiên cứu này. Hội đồng Quản trị sẽ họp rút kinh nghiệm cho các đề án nghiên cứu về sau.

Điều 34: Trong những trường hợp khẩn thiết và đột xuất, Thường trực Hội đồng Quản trị sẽ họp bất thường để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách.

CHƯƠNG VIII

SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG

Điều 35: Việc sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản trong bản nội quy này sẽ do quá 2/3 thành viên của Ban Thường trực Hội đồng Quản trị quyết định, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chấp thuận và ban hành.

Điều 36: Bản Nội quy này gồm 08 chương và 36 điều do VNCPHVN soạn thảo và tu chỉnh, đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2008 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam


Nguồn tin: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 29
  • Hôm nay: 175
  • Tháng hiện tại: 41020
  • Tổng lượt truy cập: 9557438

Lịch vạn sự

Tài khoản nhận cúng dường

 

Tài khoản tại CHLB Đức:
Konto-Nr.: 62715, Bankleitzahl: 760 694 40
Kreditinstitut: Raiffeisenbank Altdorf - Feucht eG
Begünstigter: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE68 7606 9440 0000 0627 15,
SWIFT-BIC: GENODEF1FEC
 
Tài khoản tại Việt Nam:
Tài khoản số: 060044816299
Tại ngân hàng: Sacombank,
Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tài khoản: Phạm Đức Phong
 
Tài khoản nơi có cộng đồng Việt Nam ở Hải ngoại:
Tài khoản số: 0170 003 105,
Ngân hàng số: 501 310 00
Tại ngân hàng: Vietinbank
Chủ tài khoản: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE60 5013 1000 0170 0031 05,
SWIFT-BIC: ICBVDEFF

Hướng dẫn đường đi

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về website này

Tốt

Trung bình

Không có ý kiến gì

Cần thay đổi nhiều

Quảng bá