Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam

Đăng lúc: Thứ năm - 31/05/2012 10:08 - Người đăng bài viết: Redakteur
Từ trước tới nay, Gia đình Phật tử Việt Nam luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo hợp pháp. Ngày nay, Gia đinh Phật tử Việt Nam sinh hoạt tu học trong pháp lý Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước hiện hành.
Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam

Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam

(Được tu chỉnh tại Hội nghị  Huynh trưởng cấp Tấn, Dũng Gia Đình Phật Tử toàn quốc ngày 28-29/07/2001 tại Tổ Đình Từ Đàm - Tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

LỜI NÓI ĐẦU

Từ trước tới nay, Gia đình Phật tử Việt Nam luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo hợp pháp. Ngày nay, Gia đinh Phật tử Việt Nam sinh hoạt tu học trong pháp lý Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước hiện hành.

Nội quy Gia đình Phật tử được tu chỉnh lần này là kế thừa, bổ sung, điều chỉnh và thay thế Nội quy Gia đình Phật tử trước đây nhằm khế lý, khế cơ và khế thời để sinh hoạt tu học của Gia đình Phật tử được thống nhất.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý toàn bộ các sinh hoạt tu học của Gia đình Phật tử kể cả vấn đề cơ cấu nhân sự các cấp theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

CHƯƠNG I

DANH HIỆU - MỤC ĐÍCH – CHÂM NGÔN

KHẨU HIỆU - ĐIỀU LUẬT

ĐIỀU 1:          DANH HIỆU

Căn cứ chương V, điều 19 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh ngày 22 – 23/11/1997, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm quản lý các đơn vị giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên Phật tử lấy danh hiệu là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ (GĐPT) do Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) Trung ương chuyên trách.

ĐIỀU 2:           MỤC ĐÍCH

- Đào luyện Thanh - Thiếu - Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính.

- Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.

ĐIỀU 3:           CHÂM NGÔN:            BI – TRÍ – DŨNG

ĐIỀU 4:           KHẨU HIỆU:                TINH TẤN

ĐIỀU 5:           ĐIỀU LUẬT

A.       Điều luật của Huynh trưởng và Đoàn sinh Thanh, Thiếu niên:

1.       Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.

2.       Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống.

3.       Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.

4.       Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

5.       Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

B.       Điều luật của Đồng niên (Oanh Vũ):

1.       Em tưởng nhớ Phật.

2.       Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.

3.       Em thương người và vật.

CHƯƠNG II

HUY HIỆU - PHÙ HIỆU - CẤP HIỆU - BÀI CA CHÍNH THỨC

CÁCH CHÀO - CỜ - ĐỒNG PHỤC

ĐIỀU 6:          HUY HIỆU

Huy hiệu của G.Đ.P.T. là Hoa Sen Trắng tám cánh (năm cánh trên và ba cánh dưới) trên nền tròn xanh lá mạ, đường kính 3cm có đường viền trắng. Chỉ được mang Huy hiệu Hoa sen sau khi đã làm lễ phát nguyện.

ĐIỀU 7:          PHÙ HIỆU

Phù hiệu chức vụ để biểu thị chức vụ của Huynh trưởng từ Phân ban GĐPT Trung ương đến các Tỉnh, Thành hội và các GĐPT tại các địa phương.

ĐIỀU 8:          CẤP HIỆU

Cấp hiệu để biểu thị trình độ tu học của Đoàn sinh và Huynh trưởng GĐPT. Ngoài huy hiệu, phù hiệu và cấp hiệu còn có bảng tên của Huynh trưởng.

Ghi chú: - Có bản phụ đính ghi rõ kích cỡ, màu sắc, nơi đeo của huy hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và bảng tên.

ĐIỀU 9:          BÀI CA CHÍNH THỨC

Bài ca chính thức của GĐPT: Bài SEN TRẮNG (Nhạc của Ưng Hộilời của Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán).

ĐIỀU 10:        CÁCH CHÀO

Bắt ấn Cát Tường.

Bàn tay mặt hướng về phía trước đưa ngang vai, cánh ngoài thẳng dọc, ngón tay cái giữ lấy ngón tay áp út. Chỉ chào trong nội bộ GĐPT khi cùng mặc Đoàn phục và có mang huy hiệu Hoa sen.

ĐIỀU 11:        CỜ CỦA GĐPT

Từ Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội đến các GĐPT và Đoàn., Đội, Chúng, Đàn có cờ hiệu riêng.

ĐIỀU 12:        ĐỒNG PHỤC

A. Huynh trưởng nam và Thanh - Thiếu nam:

- Áo sơ mi lam tay cụt, cổ áo (bâu áo) lật, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng.

- Quần sọt (short) màu xanh dương đậm, 2 túi sau có nắp.

- Mũ (nón) Tứ ân.

- Vớ (tất)dài màu lam dưới đầu gối cho Huynh trưởng; Vớ (tất) ngắn màu sẫm cho đoàn sinh Thanh và Thiếu niên.

Ghi chú: Tùy trường hợp và hoàn cảnh địa phương có thể mặc quần tây dài màu xanh dương đậm.

B. Huynh trưởng nữ và Thanh - Thiếu nữ:

- Áo dài màu lam, quần trắng, nón lá.

- Trại phục: áo sơ mi lam tay dài, cổ (bâu áo) lật, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng, quần tây dài màu xanh dương đậm (không được mặc quần Jean).

C. Nam Oanh vũ:

- Áo sơ mi lam tay cụt, có cầu vai, quần sọt (short) màu xanh nước biển, 2 túi sau, có dây đeo phía sau lưng hình chữ X, mũ (nón) xanh nước biển rộng vành (tùy theo địa phương, miễn sao được đồng bộ).

D. Nữ Oanh vũ:

- Áo sơ mi lam cổ (bâu) lá sen, tay phồng cụt. Váy màu xanh nước biển có dây đeo, phía sau lưng hình chữ H, mũ (nón) rộng vành màu lam (tùy theo địa phương, miễn sao được đồng bộ).

- Chỉ mặc đồng phục và mang huy hiệu Hoa sen trong những ngày lễ của Giáo hội và sinh hoạt của GĐPT.

Ghi chú: Có bản phụ đính hướng dẫn về cờ và đồng phục.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC - NHIỆM VỤ - LIÊN LẠC - SINH HOẠT - TÀI CHÍNH

ĐIỀU 13:        TỔ CHỨC

A. Cấp Trung ương:

- Cấp cao nhất chịu trách nhiệm quản lý sinh hoạt, tu học của GĐPT là Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

- Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hội đồng Trị sự về việc quản lý điều hành sinh hoạt tu học của GĐPT.

- Phó ban Hướng dẫn Phật tử đặc trách GĐPT do Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương lựa chọn một thành viên trong Ban để chịu trách nhiệm và đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xét bổ nhiệm.

- Thành phần nhân sự Phân ban GĐPT Trung ương do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương lựa chọn và trình Ban Thường trực HĐTS chuẩn y, gồm có:

+ Trưởng Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương (Phó BHD Phật tử Trung ương đặc trách GĐPT)

+ Các Phó Phân ban

+ Ủy viên Hoạt động Thanh niên

+ Chánh Thư ký

+ Ủy viên Từ thiện xã hội

+ Phó Thư ký

+ Ủy viên Tài chính

+ Thủ quỹ

+ Ủy viên Nội vụ

+ Ủy viên Tu thư

+ Ủy viên Tổ kiểm

+ Ủy viên Văn nghệ

+ Ủy viên Nghiên Huấn

+ Ủy viên Nam Phật tử

+ Ủy viên Nữ Phật tử

+ Ủy viên Thiếu Nam

+ Ủy viên Thiếu nữ

+ Ủy viên Nam Oanh vũ

+ Ủy viên Nữ Oanh vũ

Bên cạnh Phân ban GĐPT Trung ương còn có Ban Bảo trợ gồm một số Đạo hữu có thiện tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho sinh hoạt, tu học của GĐPT.

B. Cấp Tỉnh, Thành hội:

- Cấp chịu trách nhiệm quản lý sinh hoạt, tu học của GĐPT các Tỉnh, Thành hội là Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội địa phương đó.

- Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban trị sự về việc quản lý điều hành sinh hoạt tu học của GĐPT tại địa phương.

- Phó ban Hướng dẫn Phật tử đặc trách GĐPT do Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội lựa chọn người chịu trách nhiệm và đề nghị Thường trực Ban Trị Sự Tỉnh, Thành hội xét bổ nhiệm.

- Thành phần nhân sự Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội do Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội lựa chọn và trình Thường trực Ban Trị sự chuẩn y, gồm có:

+ Trưởng Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội (Phó BHD Phật tử Tỉnh, Thành hội đặc trách GĐPT)

+ Các Phó Phân ban

+ Ủy viên Hoạt động Thanh niên

+ Chánh Thư ký

+ Ủy viên Từ thiện xã hội

+ Phó Thư ký

+ Ủy viên Tài chính

+ Thủ quỹ

+ Ủy viên Nghiên Huấn

+ Ủy viên Nội vụ

+ Ủy viên Tu thư

+ Ủy viên Tổ kiểm

+ Ủy viên Văn nghệ

+ Ủy viên Nam Phật tử

+ Uỷ viên Nữ Phật tử

+ Ủy viên Thiếu Nam

+ Ủy viên Thiếu nữ

+ Ủy viên Nam Oanh vũ

+ Ủy viên Nữ Oanh vũ

Bên cạnh Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội còn có Ban Bảo trợ gồm một số Đạo hữu có thiện tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho sinh hoạt, tu học của GĐPT.

C. Đại diện tại Thành phố (trực thuộc Tỉnh), Quận, Huyện, Thị xã (có sinh hoạt GĐPT):

Tại Thành phố, Quận, Huyện, Thị xã này có 1 Ủy viên Đại diện Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội tùy theo yêu cầu.

- Ủy viên Đại diện Phân ban GĐPT nằm trong cơ cấu nhân sự Ban Đại diện.

D. Cấp Gia đình:

1. Nơi sinh hoạt:

GĐPT sinh hoạt tu học tại Chùa, Tịnh xá, Niệm Phật đường v.v... thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Quản trị, Trưởng ban Hộ tự hoặc Ban Đại diện Chùa chấp thuận và chịu trách nhiệm với Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.

2. Danh xưng của mỗi GĐPT:

Danh xưng của mỗi GĐPT lấy theo tên Chùa, Tịnh xá, Niệm Phật đường v.v… nơi GĐPT đó sinh hoạt. Trường hợp có danh xưng khác với tên Chùa, Tịnh xá v.v… phải được vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Hộ tự v.v... đồng ý và được Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội chấp thuận.

3. Thành phần Ban Huynh trưởng GĐPT:

- 1 Gia trưởng

- 1 Liên đoàn trưởng (trường hợp gia đình có nhiều Đoàn và Đoàn sính đông có thể thêm một hoặc hai Liên Đoàn phó phụ trách ngành Nam, Nữ).

- 1 Thư ký

- 1 Thủ quỹ

- Các Đoàn trưởng và Đoàn phó các Đoàn.

Bên cạnh Ban Huynh trưởng Gia đình có Ban Bảo trợ gồm một số Đạo hữu có thiện tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho sinh hoạt tu học của GĐPT.

4. Điều kiện của Gia trưởng và các Huynh trưởng:

- Gia trưởng là một cư sĩ Phật tử hoặc một Huynh trưởng GĐPT trên 40 tuổi, có đạo đức, uy tín, am hiểu và tán thành mục đích sinh hoạt GĐPT do Ban Huynh trưởng mời.

- Liên Đoàn trưởng, Đoàn trưởng, Đoàn phó, Thư ký, Thủ quỹ v.v.. do Ban Huynh trưởng Gia đình (Gia trưởng + các Huynh trưởng) căn cứ vào khả năng, đạo đức, cấp bậc, trình độ tu học và tinh thần phục vụ để phân công vào các chức vụ Huynh trưởng.

- Ban Huynh trưởng Gia đình không phải bầu lại mỗi năm hay nhiệm kỳ. Lúc nào cần thiết thì thay đổi hay bổ sung mà thôi.

- Thành phần nhân sự của Gia đình (Ban Huynh trưởng) phải được sự đồng ý của vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Hộ tự, Ban Quản trị chùa ... và được Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội duyệt, chấp thuận.

5. Số lượng Đoàn sinh của một GĐPT:

- Có ít nhất 2 Đoàn, mỗi Đoàn do 1 Đoàn trưởng và 1 hay 2 Đoàn phó điều khiển.

Mỗi Đoàn có ít nhất 2 Đội hoặc 2 Chúng (Thanh, Thiếu niên hoặc Thanh Thiếu nữ), hoặc 2 Đàn (Oanh vũ nam hay nữ). Số lượng nhiều nhất của mỗi Đoàn là 4 Đội hoặc 4 Chúng hoặc 4 Đàn. Trường hợp một ngành có lượng Đoàn sinh quá nhiều thì nên chia thêm Đoàn và có Đoàn trưởng và Đoàn phó riêng.

- Mỗi Đội, Chúng, Đàn có từ 06 đến 08 Đoàn sinh do Đội, Chúng trưởng, Đầu đàn và 1 Đội, Chúng phó, Thứ đàn điều khiển.

6. Lứa tuổi của Đoàn sinh:

- Đồng niên (Oanh vũ Nam, Nữ) : Từ 7 đến 12 tuổi

- Thiếu niên (Nam, Nữ) : Từ 13 đến 17 tuổi

- Thanh (Nam, Nữ): Từ 18 tuổi trở lên

ĐIỀU 14:        NHIỆM VỤ VÀ LIÊN LẠC

A. Cấp Trung ương:

Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại chương III, điều 6 mục A của Nội quy BHDPT Trung ương đã ban hành ngày 15.08.1998 còn có các nhiệm vụ sau đây:

- Phó Ban HDPT Trung ương đặc trách GĐPT điều hành các Ủy viên Phân ban GĐPT Trung ương.

- Xét cấp thẻ Huynh trưởng cho tất cả Huynh trưởng GĐPT đã thọ cấp.

- Tổ chức các khóa tu học, huấn luyện, bồi dưỡng Huynh trưởng cấp III (Vạn Hạnh) và khảo sát bậc Lực cho Huynh trưởng các Tỉnh, Thành hội theo phương án đã trình BHDPT Trung ương.

- Tổ chức xét, xếp, thọ cấp cho Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng theo quy định ở chương VI của nội quy này.

- Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình tu học và sự cống hiến của các Huynh trưởng GĐPT cấp Tấn và cấp Dũng.

- Báo cáo sinh hoạt tu học của GĐPT lên BHDPT Trung ương 6 tháng 1 lần.

B. Cấp Tỉnh, Thành hội:

Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại chương III, điều 6 mục B của Nội quy BHDPT Trung ương đã ban hành ngày 15.08.1998 còn có các nhiệm vụ sau đây:

- Phó BHDPT đặc trách GĐPT điều hành các Ủy viên Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội: hướng dẫn sinh hoạt tu học của các GĐPT thuộc Tỉnh, Thành hội.

- Tổ chức các khóa tu học dài hạn bậc Kiên - Trì - Định - Lực và mở các khóa trại huấn luyện Sơ cấp, cấp I, cấp II.

- Tổ chức xét, xếp, thọ cấp cho Huynh trưởng cấp Tập và cấp Tín theo quy định ở chương VI của nội quy này.

- Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình tu học và sự cống hiến của các Huynh trưởng GĐPT thuộc Tỉnh, Thành hội địa phương.

- Mở các trại sinh hoạt hè, truyền thống, theo phương án hoạt động đã trình BHDPT Tỉnh, Thành hội.

- Báo cáo sinh hoạt tu học của GĐPT thuộc Tỉnh, Thành hội lên BHDPT Tỉnh, Thành hội và PBGĐPT Trung ương 6 tháng 1 lần.

C. Cấp Gia đình:

1. Gia trưởng:

- Thu nhận Huynh trưởng và Đoàn sinh vào Gia đình.

- Hướng dẫn Huynh trưởng sinh hoạt đúng theo Nội quy GĐPT và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ Gia đình.

- Chủ trì các cuộc họp Ban Huynh trưởng Gia đình.

- Thay mặt Ban Huynh trưởng Gia đình về hành chánh và đối ngoại.

- Cùng với Ban Huynh trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước vị Trụ trì, Trưởng ban Hộ tự ..., Phân ban GĐPT và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội về mọi sinh hoạt của Gia đình.

2. Liên đoàn trưởng:

- Điều hành, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các Huynh trưởng làm tốt nhiệm vụ.

- Lập kế hoạch sinh hoạt tu học hàng tháng, hàng quý, hàng năm của Gia đình.

- Chịu trách nhiệm thi hành các phương án, chỉ thị của Phân ban GĐPT và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội.

- Tổ chức các cuộc lễ, trại, văn nghệ, triển lãm, công tác từ thiện xã hội v.v… trong phạm vi Gia đình.

- Phối hợp với Thư ký Gia đình báo cáo tình hình Gia đình lên Phân ban GĐPT.

3. Thư ký:

- Trợ lý Gia trưởng về mặt hành chánh, quản lý hồ sơ Gia đình, phối hợp với Liên Đoàn trưởng lập báo cáo, vạch phương án hoạt động của Gia đình.

4. Thủ quỹ:

- Phụ trách về thu chi của Gia đình, thiết lập sổ sách kế toán tài chánh, vật dụng và báo cáo trong cuộc họp hàng tháng của Gia đình.

5. Đoàn trưởng và Đoàn phó:

- Thi hành các phương án sinh hoạt tu học của Ban Huynh trưởng đề ra, lên chương trình thực hiện hàng tuần và trực tiếp điều khiển sinh hoạt của Đoàn.

6. Đội - Chúng trưởng - Đầu đàn:

- Thi hành quyết định của Đoàn trưởng, điều khiển Đội, Chúng, Đàn với sự trợ tá của Đội, Chúng phó và Thứ đàn. Thực hiên chương trình sinh hoạt tu học của Đội, Chúng, Đàn.

ĐIỀU 15:        SINH HOẠT

A. Cấp Trung ương:

- Như quy định tại chương III, điều 7 mục A của Nội quy Ban Phật tử Trung ương.

B. Cấp Tỉnh, Thành hội:

- Như quy định tại chương III, điều 7 mục B của Nội quy BHD Phật tử Trung ương.

C. Cấp Gia đình:

Ngoài các sinh hoạt tu học thường lệ vào ngày Chủ nhật, ngày Sóc Vọng, các dịp lễ, Vía, Chu niên Gia đình được tổ chức tại chùa, Tịnh xá, Niệm Phật đường v.v..., các sinh hoạt khác ngoài phạm vi Chùa, Tịnh xá v.v... như tổ chức trại Gia đình, đi tham quan du ngoạn v.v... phải có văn thư xin phép để Phân ban GĐPT trình Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.

Mỗi tháng Ban Huynh trưởng họp ít nhất một lần để kiểm điểm việc sinh hoạt tu học trong tháng qua và hoạch định chương trình cho tháng tới.

ĐIỀU 16:        TÀI CHÍNH

Sinh hoạt phí của GĐPT các cấp gồm có:

- Tiền hỗ trợ của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Tiền hỗ trợ của Ban Bảo trợ GĐPT các cấp.

- Tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm.

- Tiền tự tạo bằng các phương cách hợp pháp (như phát hành kinh sách, trình diễn văn nghệ, triển lãm v. v…)

- Tiền đóng góp của Đoàn sinh, Huynh Trưởng và Gia trưởng.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN – GIA NHẬP

 KỶ LUẬT - TẠM NGƯNG - GIẢI TÁN

ĐIỀU 17:       ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN

Một GĐPT được công nhận khi hội đủ các điều kiện dưới đây:

1. Có vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Hộ tự hoặc Ban Đại diện Chùa, Tịnh xá v.v... chịu trách nhiệm và thuận cho GĐPT sinh hoạt như điều 13, mục D, khoản 1 của Nội quy này.

2. Tối thiểu phải có 2 Huynh trưởng đã qua khóa huấn luyện.

3. Tối thiểu phải có 2 Đoàn như điều 13, mục D, khoản 5 quy định.

4. Phải kê khai lược trình sinh hoạt theo mẫu A1 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành.

5. Được Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định công nhận.

ĐIỀU 18:        ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP GĐPT

1. Đơn xin gia nhập GĐPT do cha mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp ký tên (nếu Đoàn sinh dưới 18 tuổi)

2. Tự ký đơn xin gia nhập GĐPT (nếu đã 18 tuổi trở lên) và có 2 Đoàn sinh ngành Thanh hoặc 2 Huynh trưởng giới thiệu.

3. Sau 3 tháng sinh hoạt tu học liên tục, có tiến bộ, không vi phạm kỷ luật GĐPT thì được làm lễ phát nguyện đeo huy hiệu Hoa sen và trở thành Đoàn sinh chính thức của GĐPT.

ĐIỀU 19:        KỶ LUẬT

1. Đối với Huynh trưởng:

- Huynh trưởng thuộc GĐPT phạm kỷ luật nhẹ sẽ do đơn vị GĐPT góp ý, phê bình, kiểm điểm.

- Huynh trưởng thuộc Phân ban GĐPT phạm kỷ luật nhẹ sẽ do Phân ban Hướng dẫn góp ý, phê bình, kiểm điểm.

- Trường hợp vi phạm nặng GĐPT phải trình lên Phân ban GĐPT xét định: tùy theo mức độ Phân ban GĐPT trình lên BHDPT và Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội xét định.

- Huynh trưởng cấp Tấn, Dũng hoặc Ban viên đương nhiệm của Trung ương thì Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội trình lên HĐTS xét định.

2. Đối với Đoàn sinh:

Đoàn sinh phạm kỷ luật phải áp dụng cho tạm nghỉ sinh hoạt thời hạn dưới 3 tháng thì do Ban Huynh trưởng GĐPT đó xét định. Mọi việc áp dụng kỷ luật có mức độ cao hơn đối với Đoàn sinh thì phải trình lên Phân ban GĐPT, BHDPT Tỉnh, Thành hội quyết định.

- Huynh trưởng và Đoàn sinh bị áp dụng kỷ luật không được quyền đòi hỏi mọi điều kiện bồi thường nào cả.

ĐIỀU 20:       TẠM NGƯNG - GIẢI TÁN

A. Tạm ngưng:

1. Một GĐPT thấy cần tạm ngưng sinh hoạt, Ban Huynh trưởng GĐPT đó phải trình xin ý kiến của Vị Trụ trì, Trưởng ban Hộ tự hoặc Đại diện Chùa và Phân ban GĐPT xét định.

2. Việc tạm ngưng sinh hoạt một Gia đình: Vị Trụ trì, Ban Hộ tự, Ban Quản trị cần phải trình Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội giải quyết.

B. Giải tán:

1. Thường trực BTS quyết định cho giải tán một GĐPT nếu GĐPT đó vi phạm một trong các điều dưới đây:

a. Vi phạm Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

b. Không sinh hoạt đúng Nội quy của BHDPT Trung ương và Nội quy GĐPT thuộc BHD PTTW Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

c. Không duy trì được điều kiện được quy định tại điều 17 của Nội quy này.

2. Một GĐPT bị ngưng sinh hoạt hoặc giải tán phải xem xét đầy đủ các yếu tố và được Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội quyết định theo tờ trình của Vị Trụ trì, Trưởng ban Hộ tự ... và Phân ban GĐPT.

3. Những vật dụng và sinh hoạt phí của Gia đình bị giải tán giao cho Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội quản lý.

CHƯƠNG V

TU HỌC - HUẤN LUYỆN

Tu học chánh pháp, trau dồi kiến thức là vấn đề trường kỳ và quan yếu hàng đầu đối vời đời sống Huynh trưởng GĐPT. Chương trình tu học và đào luyện gồm các mục đích cơ bản: xây dựng nếp sống tinh thần, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức tổng quát, có năng lực chuyên môn và tinh thần sáng tạo để hướng dẫn tu học cho Đoàn sinh GĐPT cũng như để phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Sở học là mênh mông, chương trình tu học và các khóa trại có giới hạn, tuy nhiên nó có tính chất cốt lõi, cơ bản và tiệm tiến, được quy định như sau:

ĐIỀU 21:        TU HỌC VÀ HUẤN LUYỆN ĐOÀN SINH

A. Tu học:

1. Ngành Đồng niên có 4 bậc: Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng và Tung bay.

2. Ngành Thiếu niên có 4 bậc: Hướng thiện, Sơ thiện, Trung thiện và Chánh thiện

3. Ngành Thanh niên có 2 bậc: Hòa và Trực.

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ nội dung và tiết học.

B. Huấn luyện:

1. Trại huấn luyện Tuyết Sơn: Để đào tạo Đầu đàn và Thứ đàn.

2. Trại huấn luyện Anôma- Ni Liên: Để đào tạo Đội, Chúng trưởng và Đội, Chúng phó.

Các trại này do Ban Huynh trưởng GĐPT tổ chức và phải trình Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội chấp thuận.

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ thời gian, nội dung huấn luyện và điều kiện dự trại.

ĐIỀU 22:        TU HỌC VÀ HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG

A. Tu học:

Huynh trưởng có 4 bậc học: Kiên - Trì - Định - Lực.

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ thời gian, chương trình và nội dung các bậc học.

B. Huấn luyện:

1. Trại huấn luyện Sơ cấp Lộc Uyển: Để đào tạo Đoàn phó.

2. Trại huấn luyện Cấp I A Dục: Để đào tạo Đoàn trưởng.

3. Trại huấn luyện Cấp II Huyền Trang: Để đào tạo Liên Đoàn trưởng.

4. Trại huấn luyện Cấp III Vạn Hạnh: Để đào tạo Ủy viên chuyên trách GĐPT

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ thời gian, điều kiện dự trại, nội dung và chương trình huấn luyện.

ĐIỀU 23:        ĐIỀU KIỆN TRÚNG CÁCH CÁC TRẠI HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG

Trại sinh được chứng nhận trúng cách trại sau khi hội đủ:

- Đã tham dự đủ thời gian khóa trại.

- Được hội đồng tuyên bố trúng cách trại.

ĐIỀU 24:        THỜI GIAN CẤP CHỨNG CHỈ TRÚNG CÁCH

- Huynh trưởng trúng cách các Trại Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang được cấp chứng chỉ sáu (6) tháng sau, với điều kiện đang sinh hoạt.

- Huynh trưởng trúng cách trại Vạn Hạnh được cấp chứng nhận sau khóa trại.

ĐIỀU 25:       PHỤ TRÁCH KHẢO SÁT TU HỌC VÀ MỞ TRẠI HUẤN LUYỆN

A. Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội phụ trách:

- Khảo sát các bậc Kiên, Trì, Định.

- Mở các trại huấn luyện Lộc Uyển - A Dục - Huyền Trang.

B. Phân ban GĐPT Trung ương phụ trách:

- Khảo sát bậc Lực.

- Mở trại huấn luyện Vạn Hạnh.

CHƯƠNG VI

XÉT XẾP CẤP HUYNH TRƯỞNG

ĐIỀU 26:       ĐIỀU KIỆN XẾP CẤP

Căn cứ vào trình độ tu học, phẩm chất đạo đức, năng lực sinh hoạt, tinh thần phục vụ và hội đủ thâm niên, Huynh trưởng GĐPT được xếp vào các cấp TẬP - TÍN – TẤN - DŨNG được quy định như sau:

1. Cấp Tập:

- Đủ 23 tuổi.

- Đã qua bậc Trì

- Trúng cách trại A Dục.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 3 năm.

2. Cấp Tín:

- Đủ 28 tuổi.

- Thâm niên cấp Tập ít nhất 3 năm.

- Đã qua bậc Định.

- Trúng cách trại Huyền Trang.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 9 năm.

3. Cấp Tấn:

- Đủ 36 tuổi.

- Thâm niên cấp Tín ít nhất 5 năm.

- Đã qua bậc Lực.

- Trúng cách trại Vạn Hạnh.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 15 năm.

4. Cấp Dũng:

- Đủ 46 tuổi.

- Thâm niên cấp Tấn ít nhất 10 năm.

- Có một luận án nghiên cứu về Phật giáo (giáo dục, nhân văn, lịch sử v.v…) được Hội đồng xét duyệt(do Ban Hướng dẫn Phật tử bổ nhiệm) công nhận.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 25 năm.

ĐIỀU 27:       THỂ THỨC XẾP CẤP

1. Cấp Tập:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (3 bản), đính kèm các chứng từ liên hệ mỗi thứ 3 bản.

- Ban Huynh trưởng Gia đình đề nghị.

- Căn cứ kết quả của Hội đồng Xét Xếp Cấp, Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội ký quyết định xếp cấp Tập. Quyết định này có khán duyệt của Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội.

2. Cấp Tín:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (4 bản, đính kèm các chứng từ liên hệ mỗi thứ 4 bản.

- Ban Huynh trưởng Gia đình hoặc Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội đề nghị.

- Hội đồng Xét Xếp Cấp của Tỉnh, Thành hội xét duyệt và trình Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định.

3. Cấp Tấn:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (5 bản), đính kèm các chứng từ liên hệ mỗi thứ 5 bản.

- Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội hoặc Phân ban GĐPT Trung ương đề nghị.

- Hội đồng Xét Xếp Cấp của Trung ương xét duyệt và trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành quyết định.

4. Cấp Dũng:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (5 bản), đính kèm luận án.

- Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội hoặc Phân ban GĐPT Trung ương đề nghị.

- Hội đồng Xét Xếp Cấp của Trung ương xét duyệt và trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành quyết định.

ĐIỀU 28:        HỘI ĐỒNG XÉT XẾP CẤP

A. Tại Tỉnh, Thành hội:

1. Hội đồng Xét xếp cấp Tập và Tín gồm có:

- Chứng minh: Trưởng ban HDPT Tỉnh, Thành hội

- Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Phó Chủ tịch: Phó Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội hoặc một Huynh trưởng cao niên cấp Tấn.

- Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Ủy viên: 1 Huynh trưởng cấp Tín thâm niên

               1 Huynh trưởng cấp Tập thâm niên

               Đại diện Phân ban GĐPT tại Quận, Huyện...

Hội đồng xét xếp cấp này được Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định thành lập.

Ghi chú: Ngoài vị chứng minh, Hội đồng phải có ít nhất 3 Huynh trưởng có cấp cao hơn cấp Huynh trưởng được xét.

2. Hội đồng Xét đề nghị xếp cấp Tấn và Dũng gồm có:

- Chứng minh: Trưởng ban HDPT Tỉnh, Thành hội

- Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Phó Chú tịch: Phó Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Thuyết trinh viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Ủy viên: 2 Huynh trưởng cấp Tấn trở lên

Hội đồng này được Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định thành lập và chỉ xét đề nghị các Huynh trưởng có đủ điều kiện xếp cấp Tấn, Dũng và lập danh sách để Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội chuyển trình Trung ương xét xếp.

 B. Tại Trung ương:

1. Hội đồng Xét xếp cấp Tấn gồm có:

- Chứng minh : Trưởng ban HDPT Trung ương

- Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương

                 Một Huynh trưởng cấp Dũng.

- Phó Chủ tịch: Phó Phân ban GĐPT Trung ương hoặc

                       một Huynh trưởng cấp Tấn thâm niên.

- Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Trưng ương.

- Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Trung ương.

- Ủy viên: 1 Huynh trưởng thâm niên cấp Tấn trở lên.

2. Hội đồng xét xếp cấp Dũng gồm có:

- Chủ tịch: Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trưng ương.

- Phó Chủ tịch: Một vị trong Ban Giám khảo duyệt xét luận án.

                       Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương.

- Thuyết trình viên: Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương kiêm nhiệm

- Ban Thư ký: Chánh Thư ký của Ban Hướng dẫn Phật tử TW

                      Thư ký Phân ban GĐPT Trung ương.

- Ủy viên: Các Huynh trưởng cấp Dũng.

                Một cư sĩ uyên thâm Phật học.

Hội đồng xét xếp cấp Tấn và Dũng được Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ra quyết định thành lập.

ĐIỀU 29:        HỒ SƠ XÉT XẾP CẤP

1. Hồ sơ xin xét xếp cấp Tập, Tín gồm: Biên bản bình nghị của Ban Huynh trưởng Gia đình, sách tịch của Huynh trưởng và các chứng từ phải gởi về Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội theo thời gian quy định. Sau khi xét và ban hành quyết định, Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội gởi trình Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương (mỗi thứ 01 bản) gồm có:

- Quyết định thành lập Hội đồng xét xếp cấp.

- Biên bản của Hội đồng xét xếp cấp.

- Quyết định xếp cấp Tập, Tín.

- Sách tịch Huynh trưởng.

2. Hồ sơ đề nghị xét xếp cấp Tấn, Dũng do Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội lập để Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội chuyển trình Trung ương xét xếp cấp (mỗi thứ 02 bản) gồm có:

- Quyết định thành lập Hội đồng xét đề nghị cấp Tấn, Dũng.

- Biên bản đề nghị.

- Sách tịch Huynh trưởng.

- Chứng từ liên quan (cấp Dũng kèm theo Luận án).

Mọi thủ tục xét xếp cấp, xét đề nghị triển khai từ tháng 7 âm lịch để kịp ban hành quyết định xếp cấp trước Đại lễ Thành đạo.

ĐIỀU 30:        TỔ CHỨC LỄ THỌ CẤP

1. Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tập và cấp Tín.

2. Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng. Trường hợp các Huynh trưởng không thuận tiện về Trung ương thọ cấp, BHDPT Trung ương ủy nhiệm Thường trực BTS tại các Tỉnh, Thành hội tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng.

ĐIỀU 31:        TRUY TẶNG VÀ TRUY THĂNG CẤP

1. Huynh trưởng quá cố trong lúc thi hành Phật sự được truy tặng một cấp.

2. Huynh trưởng quá cố trong các trường hợp khác được truy thăng một cấp nếu có đủ nửa thời gian của cấp tiếp theo.

- Việc truy tặng và truy thăng cấp phải có đề nghị trực tiếp của đơn vị quản lý Huynh trưởng đó.

CHƯƠNG VII

TỔNG QUÁT – SỬA ĐỔI

ĐIỀU 32:

- Nội quy này gồm Lời nói đầu, 7 chương và 32 điều, có hiệu lực kể từ ngày được Ban Thường trực HĐTS ban hành quyết định chấp thuận.

- Mọi sửa đổi hoặc bổ sung nội quy này phải được Ban Hướng Dẫn Phật tử Trung ương đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam chấp thuận.

 

KHÁN DUYỆT
TP.HCM ngày 14 tháng 01 năm 2002
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
(Đã ký)


TRƯỞNG BAN HDPT TRUNG ƯƠNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN
(Đã ký)

 


Nguồn tin: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 43
  • Tháng hiện tại: 31616
  • Tổng lượt truy cập: 10230614

Lịch vạn sự

Tài khoản nhận cúng dường

 

Tài khoản tại CHLB Đức:
Konto-Nr.: 62715, Bankleitzahl: 760 694 40
Kreditinstitut: Raiffeisenbank Altdorf - Feucht eG
Begünstigter: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE68 7606 9440 0000 0627 15,
SWIFT-BIC: GENODEF1FEC
 
Tài khoản tại Việt Nam:
Tài khoản số: 060044816299
Tại ngân hàng: Sacombank,
Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tài khoản: Phạm Đức Phong
 
Tài khoản nơi có cộng đồng Việt Nam ở Hải ngoại:
Tài khoản số: 0170 003 105,
Ngân hàng số: 501 310 00
Tại ngân hàng: Vietinbank
Chủ tài khoản: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE60 5013 1000 0170 0031 05,
SWIFT-BIC: ICBVDEFF

Hướng dẫn đường đi

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về website này

Tốt

Trung bình

Không có ý kiến gì

Cần thay đổi nhiều

Quảng bá