Quy chế hoạt động Ban Đại diện Phật giáo

Đăng lúc: Thứ ba - 29/05/2012 10:12 - Người đăng bài viết: Redakteur

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

------ o0o ------

                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                        Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                      --------- O0O ----------

 

 QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

BAN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO

QUẬN - HUYỆN - THỊ XÃ - THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Quy chế hoạt động của Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh được thiết lập nhằm mục đích:

-       Quy định cụ thể chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mỗi thành viên Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh (sau đây gọi chung là Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện) để nâng cao hiệu quả công tác và tăng cường sự đoàn kết hòa hợp, tuân thủ nguyên tắc tổ chức trong nội bộ Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện.

-       Quy định phạm vi hoạt động và sự liên hệ giữa Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện với các Cơ quan hữu quan và các Đại diện Phật giáo Phường, Xã, Thị trấn (sau đây gọi chung là Đại diện Phật giáo Xã).

CHƯƠNG I

CƠ CẤU TỔ CHỨC – NHIỆM VỤ

Điều 1 : Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện do Đại hội cùng cấp suy cử và được Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trực thuộc Trung ương Giáo hội phê chuẩn, với số lượng không quá 15 thành viên, gồm các chức danh:

-       Chánh Đại diện

-       02 Phó Đại diện

-       01 Thư ký

-       01 Thủ quỹ

-       01 Ủy viên Kiểm soát

-       Các Ủy viên chuyên ngành

Các ủy viên chuyên ngành theo yêu cầu, có thể thành lập một Tiểu ban không quá 09 thành viên, do Thường trực Ban Đại diện Phật giáo quyết định chuẩn y.

Điều 2: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện làm việc theo cơ chế tập trung dân chủ, mọi hoạt động Phật sự phải được tập thể hoặc quá bán thành viên Ban Đại diện Phật giáo thảo luận và biểu quyết thông qua. Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện có nhiệm vụ:

a. Tổ chức triển khai, thực hiện các Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo và Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố hoạch định.

b. Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện thực hiện các chức năng về hoạt động hành chánh tổ chức cũng như các chuyên ngành thuộc phạm vi  địa bàn cùng cấp liên hệ.

c. Các trường hợp khác như tuyên dương công đức, kỷ luật, thuyên chuyển nơi tu học từ tỉnh khác đến, bổ nhiệm trụ trì, tấn phong Giáo phẩm, giới thiệu Tăng Ni theo học các Trường Phật học ngoài tỉnh và du học nước ngoài, sửa chữa lớn, xây dựng mới, giới thiệu xác nhận việc cư trú, đi đến các Tỉnh, Thành hội Phật giáo khác phải đệ trình Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội xem xét và giải quyết.

d. Các hoạt động Phật sự tại địa phương mang tính trọng đại, vượt ngoài chức năng, quyền hạn của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện thì phải đệ trình Ban Thường trực Ban Trị sự và triển khai thực hiện khi được Ban Thường trực Ban Trị sự thông qua.

Điều 3: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Trị sự về việc hướng dẫn các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất (sau đây gọi chung là Tự viện), Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt và tu học theo đúng Hiến chương GHPGVN, Nội quy các Ban ngành, Quy chế Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trực thuộc Trung ương Giáo hội, Quy chế hoạt động Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh và pháp luật Nhà nước.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG - QUYỀN HẠN

Điều 4: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo điều 2, điều 3 Chương I Quy chế hoạt động của Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh do Trung ương Giáo hội quy định.

Điều 5: Các kỳ họp định kỳ hàng quý, năm của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện do Chánh Đại diện triệu tập và chủ tọa để xem xét, thảo luận, giải quyết công tác Phật sự của Huyện hội trong thời gian qua và sắp tới. Kỳ họp được xem là hợp lệ khi số thành viên hiện diện quá bán tổng số thành viên của Ban Đại diện Phật giáo tham dự, trong đó nhất thiết phải có vị Chánh Đại diện, hoặc Phó Đại diện được Chánh Đại diện ủy nhiệm.

Khi có duyên sự đặc biệt, Chánh Đại diện được quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết công việc. Đối với các kỳ họp định kỳ, vị Chánh Đại diện vì duyên sự đặc biệt không thể tham dự và chủ trì kỳ họp thì ủy nhiệm cho vị Phó Đại diện ký thư triệu tập và chủ trì kỳ họp.

Điều 6: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện khi thảo luận, giải quyết và thông qua các công tác Phật sự phải dựa trên tinh thần dân chủ, hòa hợp, đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, truyền thống của các Hệ phái, của Tự viện, Tăng Ni theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trực thuộc Trung ương Giáo hội và Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện.

Điều 7: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện được quy định như sau:

a. Chánh Đại diện : 

- Là người đại diện tư cách pháp nhân, pháp lý trong các quan hệ với Nhà nước và các Tự viện, Tăng Ni trong phạm vi địa giới hành chánh cấp Huyện.

- Nhận Quyết định trực tiếp từ Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo và có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự, tập thể Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện về mọi hoạt động Phật sự.

- Chánh Đại diện được quyền ký thư triệu tập các kỳ họp định kỳ hoặc bất thường. Chánh Đại diện phải tham dự các kỳ họp do Ban Thường trực Ban Trị sự triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng và phải báo với Ban Thường trực Ban Trị sự.

b. Phó Đại diện :

- Phụ tá Chánh Đại diện tổ chức triển khai, thực hiện các Phật sự theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự, sự phân công của Ban Trị sự và Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện.

- Nếu Chánh Đại diện đi vắng hoặc có duyên sự đặc biệt thì Phó Đại diện được quyền xử lý các công việc của Ban Đại diện do Chánh Đại diện ủy quyền, đồng thời Phó Đại diện cũng phải chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự và tập thể Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện về công việc mà Phó Đại diện trực tiếp giải quyết.

c. Thư ký :

- Chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Văn phòng Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện, tổng hợp tình hình và đề xuất biện pháp thực hiện các hoạt động Phật sự tại địa phương phù hợp với Nghị quyết, chương trình hoạt động của Tỉnh, Thành hội Phật giáo và Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện.

  - Dự thảo các văn bản hành chánh, báo cáo sơ kết, tổng kết năm và nhiệm kỳ, hoạch định nội dung các kỳ họp của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện. Thừa lệnh Chánh Đại diện ký các văn bản hành chánh.

d. Ủy viên Thủ quỹ :

 - Có trách nhiệm phối hợp với Thư ký Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện đôn đốc việc vận động các nguồn tài chánh do Ban Thường trực Ban Trị sự chỉ đạo và cho phép, quản lý mọi nguồn tài chánh của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện.

- Việc thu chi phải được Chánh Đại diện ký duyệt với tư cách là chuẩn chi viên và được báo cáo tại các kỳ họp định kỳ của Ban Đại diện Phật giáo.

e. Ủy viên Kiểm soát :

- Có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và góp ý vào việc triển khai các Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự, các đường lối chính sách của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện. 

- Ủy viên kiểm soát chịu trách nhiệm ký xác nhận vào báo cáo tài chánh của Ban Đại diện Phật giáo cùng cấp.

f. Các Ủy viên chuyên ngành:

- Các Ủy viên đặc trách chuyên ngành thuộc Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện khi được phân công đảm nhiệm Phật sự, mọi hoạt động phải theo đúng những quy định của Nội quy các Ban ngành Trung ương Giáo hội; các Nghị quyết, chương trình hoạt động do Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo hoạch định.

- Mỗi quý, các Ủy viên chuyên ngành phải báo cáo công tác do mình phụ trách lên Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện; đồng thời báo cáo theo hệ thống dọc về Ban ngành trực thuộc Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

Điều 8: Trường hợp Chánh Đại diện khuyết nhiệm, Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện sẽ suy cử một trong các vị Phó Đại diện quyền Chánh Đại diện Phật giáo cho đến mãn nhiệm kỳ (nếu thời gian gần cuối nhiệm kỳ) hoặc sẽ hợp thức hóa chức danh Chánh Đại diện tại Hội nghị tổng kết toàn niên của Ban Đại diện có biên bản và tờ trình Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo chuẩn y bằng một Quyết định (nếu thời gian của nhiệm kỳ còn dài).

CHƯƠNG III

HỆ THỐNG – TRÁCH NHIỆM – LIÊN HỆ – HỘI HỌP

Điều 9:  Chánh Đại diện, Phó Đại diện, Thư ký Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện có trách nhiệm liên lạc và trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các Đại diện Phường, xã, Thị trấn, Tự viện, Tăng Ni thực hiện Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Ban Trị sự và Ban Đại diện Phật giáo tại địa bàn cùng cấp.

Điều 10: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện có trách nhiệm hướng dẫn các Tự viện hoàn thành các thủ tục đăng ký những sinh hoạt Phật sự tại Tự viện theo quy định của pháp luật Nhà nước và những Phật sự tại cơ sở.

Điều 11: Chánh, Phó Đại diện và Thư ký Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện chịu trách nhiệm tạo mối quan hệ chặt chẽ với các Hệ phái, các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử, Chánh quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong địa bàn để giải quyết các Phật sự.

Điều 12:  Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện họp thường kỳ mỗi tháng 01 lần trước ngày họp của Ban Thường trực Ban Trị sự để giải quyết những Phật sự của địa bàn và báo cáo tại kỳ họp định kỳ của Ban Thường trực Ban Trị sự.

Điều 13: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện mỗi năm tổ chức 02 kỳ Hội nghị: Sơ kết và Tổng kết để kiểm điểm công tác đã thực hiện và hoạch định chương trình hoạt động Phật sự sắp tới.

Điều 14: Con dấu của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện do Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Đại diện Phật giáo quản lý và được cất giữ tại Văn phòng Ban Đại diện. Con dấu Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện có giá trị, hiệu lực trong phạm vi hoạt động của cấp Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc Tỉnh. Mẫu con dấu Ban Đại diện Phật giáo như sau:

–        Hình tròn, đường kính 2.5cm

–        Vòng ngoài có dòng chữ: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – TỈNH HỘI PHẬT GIÁO ………………

–        Vòng trong: Có hình hoa sen 8 cánh

–        Bên trong có dòng chữ BAN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO ………………………….

Điều 15: Thư ký Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện tuyển chọn một số nhân viên phục vụ Văn phòng do Chánh Đại diện Phật giáo ký Quyết định tuyển dụng.

Điều 16: Nhiệm kỳ của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện là 5 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

CHƯƠNG V

BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Điều 17: Các Phật sự khi thực hiện tại địa bàn gặp khó khăn, Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện phải báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Trị sự để Ban Thường trực Ban Trị sự có hướng giải quyết và chỉ đạo cụ thể.

Điều 18: Các Ủy viên chuyên ngành phải tham dự các phiên họp chuyên ngành của Tỉnh, Thành hội Phật giáo để nắm tình hình công tác và các Phật sự có liên quan; hoặc nếu tổ chức họp chuyên ngành tại các Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc Tỉnh thì phải có sự tham dự của Trưởng ban chuyên ngành Tỉnh, Thành hội Phật giáo để phát biểu chỉ đạo.

Điều 19: Nếu thành viên nào trong Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện; Đại điện Phật giáo Xã có hành vi làm cản trở, ảnh hưởng không tốt đến các Phật sự được triển khai thực hiện tại địa bàn, Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện sẽ đệ trình Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo bãi miễn chức vụ và xử lý theo luât Phật, theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tùy mức độ vi phạm, hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý theo Pháp luật (nếu có).

Điều 20: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện có trách nhiệm báo cáo tổng kết công tác Phật sự của địa bàn lên Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trước ngày tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ mới của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo từ 30 ngày đến 60 ngày để Ban Trị sự đúc kết công tác nhiệm kỳ toàn Ban.

Điều 21: Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện được quyền tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ mới, hoặc lưu nhiệm và bổ sung nhân sự nhiệm kỳ mới trước ngày Đại hội Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo ít nhất một tháng.

Điều 22: Đối với những Thị trấn, Phường, Xã có đông Tăng Ni, Phật tử, nhiều cơ sở Tự viện thì Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo bổ nhiệm một đại diện Thị trấn, Phường, Xã, hoặc Liên Phường, Xã bằng một quyết định để giúp Ban Đại diện Phật giáo trong việc điều hành các công tác Phật sự tại địa bàn cùng cấp.

Điều 23: Quy chế này gồm có 04 chương, 23 điều được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu quyết thông qua vào ngày 22 tháng 8 năm 2008.

Quy chế Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc Tỉnh có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Chỉ có Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới được quyền sửa đổi nếu xét thấy cần thiết trong quá trình thực hiện.

 

BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 


Nguồn tin: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 179
  • Tháng hiện tại: 35544
  • Tổng lượt truy cập: 10326873

Lịch vạn sự

Tài khoản nhận cúng dường

 

Tài khoản tại CHLB Đức:
Konto-Nr.: 62715, Bankleitzahl: 760 694 40
Kreditinstitut: Raiffeisenbank Altdorf - Feucht eG
Begünstigter: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE68 7606 9440 0000 0627 15,
SWIFT-BIC: GENODEF1FEC
 
Tài khoản tại Việt Nam:
Tài khoản số: 060044816299
Tại ngân hàng: Sacombank,
Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tài khoản: Phạm Đức Phong
 
Tài khoản nơi có cộng đồng Việt Nam ở Hải ngoại:
Tài khoản số: 0170 003 105,
Ngân hàng số: 501 310 00
Tại ngân hàng: Vietinbank
Chủ tài khoản: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE60 5013 1000 0170 0031 05,
SWIFT-BIC: ICBVDEFF

Hướng dẫn đường đi

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về website này

Tốt

Trung bình

Không có ý kiến gì

Cần thay đổi nhiều

Quảng bá