Hài Hòa Giữa Tinh Thần Thờ Kính Tổ Tiên Của Người Việt Và Hiếu Hạnh Của Đạo Phật

Đăng lúc: Thứ hai - 09/09/2013 13:16 - Người đăng bài viết: Redakteur
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam rất sớm, khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử luận của Nguyễn Lang, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành do các tăng sĩ Ấn Độ đến Việt Nam cùng các thương gia Ấn.
Hài Hòa Giữa Tinh Thần Thờ Kính Tổ Tiên Của Người Việt Và Hiếu Hạnh Của Đạo Phật

Hài Hòa Giữa Tinh Thần Thờ Kính Tổ Tiên Của Người Việt Và Hiếu Hạnh Của Đạo Phật

Do sự tiếp xúc với các thương gia và Tăng sĩ Ấn độ mà người Việt biết đến đạo Phật. Và có lẽ, người Việt đã học các giáo lý căn bản về đạo Bụt (danh từ được xử dụng trước khi chữ Phật truyền sang từ Trung Quốc) như trong truyện lịch sử Chử Đồng Tử học đạo Bụt từ một vị sư Ấn Độ.

Tuy nhiên, khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chắc hẳn người Việt đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, hay còn gọi nôm na là ‘đạo’ thờ ông bà.  Không thấy có sử liệu xác chứng tục thờ cúng này có khi nào. Nhưng chúng ta có thể quả quyết rằng Đạo Thờ Kính Tổ Tiên không phải từ đạo Phật truyền vào Việt Nam.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nói nhiều về việc người Việt thờ kính các anh hùng dân tộc như Phù Đổng Thiên Vương đã có công dẹp trừ ngoại xâm; và hình thức thờ cúng tế lễ có những điểm tương đồng với ‘đạo’ Thờ Kính Tổ tiên. Phong tục này là một nét văn hóa đặc thù của người Việt và đã được ví như là một loại ‘đạo’ làm người như chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định trong tác phẩm Lục Vân Tiên của ông:

'‘Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn mắt sáng ông cha không thờ’'

‘Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm’ là tập tục nói lên tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’ của người Việt dù tổ tiên ông bà vẫn còn hay đã khuất bóng. Từ những ngày khổ đau như tang ma đến những ngày vui mừng như lễ tết … trong gia đình, dòng tộc tổ tiên ông bà luôn luôn được mời gọi, đón chào về sum họp cùng con cháu để sẻ chia.  Ngoài ra, tập tục cũng bao gồm ông bà, cha mẹ còn sống cũng phải được kính trọng như khi đã mất.  Đôi khi có sự hiểu lầm là việc thờ kính tổ tiên, ông bà chỉ dành cho người đã chết. 

Kính trên, nhường dưới là một nét đẹp đặc thù khác trong văn hóa Việt Nam. Có liên quan mật thiết đến tinh thần ‘kính lão đắc thọ,’ kính trọng các bậc bô lão, các người lớn tuổi hơn mình, không những trong gia tộc mà còn ngoài xã hội. Ông, bà, cha, mẹ, anh, em, con, cháu, nội, ngoại hai bên, hoặc những người lớn tuổi, cao niên v.v.. phải được nói năng, xưng hô cho đúng lễ trên dưới.  Đây là một điều mà các cháu nhỏ xứ người khi học tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn để hiểu, và học nói cho đúng theo truyền thống người Việt.     

Sở dĩ đạo Phật không bài bác việc thờ kính Tổ tiên như là một sự mê tín đi trái giáo lý của Phật dạy, mà ngược lại khế hợp văn hóa đặc thù này một cách nhịp nhàng và khéo léo với tư tưởng tương duyên tương sinh của đạo Bụt. Sự kết hợp khéo léo này khiến ngày lễ Vu Lan của người Việt không còn chỉ là ngày lễ hội truyền thống Phật giáo mà còn là ngày vinh danh Tổ tiên, ông, bà, cha mẹ dù còn sống hay đã mất. 

Theo cách nhìn tương duyên, tương sinh của đạo Bụt, hạt xoài là gốc căn bản để sinh ra cây xoài. Dù hạt xoài đã không còn hiện hữu khi cây xoài lớn lên. Nhưng trong hình hài của cây xoài chúng ta có thể thấy sự có mặt của hạt xoài.  Vì nếu không có hạt xoài, chắc chắn cây xoài sẽ không có cách gì có mặt.  Sự tương duyên, sinh khởi giữa hạt xoài và cây xoài là một điều tất yếu để cả hai đều bổ túc cho nhau sinh tồn lâu dài hơn.  

Cũng vậy, chúng ta sinh ra là vì có cha có mẹ, có ông bà của mình. Nếu họ không sinh, ta cũng không sinh. Khi nhìn lại chính bản thân mình chúng ta thấy rõ sự có mặt của cha, mẹ, ông bà mình. Trong dòng máu và các tế bào đang hoạt động trong cơ thể chúng ta, mình cảm nhận được sự hiện hữu của tổ tiên.  Do vậy việc thờ kính mang ơn là điều tất yếu của một con người biết ‘ăn quả, nhớ kẻ trồng cây.’  Thân này không phải của chỉ riêng ta mà còn có sự gửi gấm của tiền nhân muốn mình phải sống sao để vinh danh tổ tiên, dòng họ của mình.

Có thể chúng ta không xem việc thờ kính tổ tiên là ‘đạo’. Thế nhưng, nếu quán chiếu cho sâu chúng ta thấy cái ‘đạo’ này đang nhắc nhở mình phải sống xứng đáng, đàng hoàng, lương thiện để không phụ lòng tổ tiên. Chúng ta cảm nhận được rằng những điều tốt chúng ta đã làm khiến mình rất hảnh diện với dòng tộc, cha ông.  Ngược lại, những điều xấu xa, nhơ nhuốc mình lỡ gây ra làm cho mình hổ thẹn, buồn lòng.  Rõ ràng, đạo đức sống làm người chân chính, lương thiện nằm trong cái ‘đạo’ biết thờ kính tổ tiên đó.     

Thực ra, chính nhờ phong tục thờ kính ông bà, cha mẹ lâu đời của người Việt mà đã mở rộng mục đích và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan theo truyền thống đạo Phật Việt sang một hướng đi mới. Phật có dạy: ‘Hạnh hiếu là hạnh Phật; tâm hiếu là tâm Phật’ vì ơn phụ mẫu, tổ tiên sinh thành và dưỡng dục là một trong bốn ơn nặng mà người Phật tử phải luôn ghi nhớ.  Cái tâm hiếu hạnh và ơn phụ mẫu này kết hợp với tấm lòng biết thờ kính tổ tiên của người Việt đã chuyển hóa ngày lễ Vu Lan như là ngày tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên, dòng tộc.  

Danh từ Vu Lan là phiên âm từ chữ Phạn Ullambana, Trung hoa dịch là Giải hay Cứu Đảo Huyền, có nghĩa là giải cứu tội khổ bị treo ngược. Tên cho đủ của lễ này là VU LAN BỒN, chữ Bồn nghĩa là chậu đựng thức ăn. Kinh Vu Lan Bồn do ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào thế kỷ thứ ba. Vậy, lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn có nghĩa là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam Bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ những người quá cố trong bẩy đời gọi là cửu huyền thất tổ, nếu ai đã làm những điều tội lỗi ở trần gian, sau khi chết đi bị đày vào địa ngục chịu hình phạt khổ vô cùng, sẽ nhờ ân đức Tam Bảo được giải cứu khỏi cảnh địa ngục, được sanh về cõi an lành.

Trong dân gian dựa vào đó, nên có một niềm tin vào các vong hồn bị đầy đọa vào cảnh ngục tù ở dưới âm phủ, và các vong hồn này đang đói ăn, khát uống và cần được cứu thoát ra khỏi địa ngục; bởi vậy, người trên trần gian mua sắm các lễ vật, thức ăn, cúng các vong linh này và cúng dường Tam Bảo để cầu siêu độ cho họ. Theo phong tục người Trung Hoa gọi lễ cúng này là ‘Phóng diệm khẩu’, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và nói trại đi thành cúng Cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng tế.  Do vậy, Lễ cúng Cô hồn và Lễ Vu lan cùng xảy ra trong rằm tháng Bảy nhưng là hai lễ cúng khác nhau.  Một bên nhằm vào xin cầu siêu độ cho các vong linh bơ vơ, lạc loài đói ăn khát uống (xá tội vong nhân); còn bên kia là hướng đến việc cầu siêu độ và tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ, tổ tiên.  

Hầu hết mọi người trong dân gian đều hiểu lầm là lễ Vu Lan tức là Lễ cúng Cô hồn – xá tội vong nhân. Thậm chí có những chùa đã đồng hóa hai lễ này thành một và cúng Lễ cô hồn rất rình rang như là mở đàng tràng siêu độ, chẩn tế cho các vong linh cô hồn, oan hồn, uổng tử v.v.. lớn hơn cả ngày lễ Vu Lan truyền thống theo tinh thần  đạo Phật Việt.  Sở dĩ, chúng tôi nhấn mạnh đến tinh thần đạo Phật Việt vì lễ Vu Lan cũng được tổ chức ở các nước theo truyền thống Đại thừa. Nhưng phần nhiều chú trọng đến cầu siêu độ cho những ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã mất và các oan hồn uổng tử mà không thấy nhấn mạnh đến Hiếu đạo như là đạo làm người theo truyền thống đạo Phật Việt.

Tuy nhiên, nét đẹp của tinh thần đạo Phật Việt đang dần mất sinh khí vì những sự cúng tế tràn lan cho những cô hồn, uổng tử đã khiến đại đa số quần chúng có những suy nghĩ tiêu cực và đôi lúc sợ sệt đối với ngày rằm tháng Bảy nói chung và lễ hội Vu Lan nói riêng. Như bài viết đăng trên báo Giác Ngộ Online ngày 22 tháng 8 năm 2013 nói về Hội Từ Tế đã phải cố gắng để xóa tan những nhận thức sai lầm về ‘huyền thoại’ tiêu cực của ngày lễ Vu Lan và rằm tháng Bảy tại Đài Loan.  

Để duy trì và gìn giữ nét hài hòa tuyệt vời giữa đạo Phật và sự Thờ Kính Ông Bà của người Việt Nam, một phong tục lâu đời của cha ông chúng ta đã truyền thừa lại, mọi người Việt, đặc biệt là các chùa Việt trong hay ngoài nước, đều có trách nhiệm phải giáo dục quần chúng và phổ biến rộng rãi về ý nghĩa của tinh thần này. Ngoài ra, ngăn ngừa, giảm thiểu những hình thức cúng kiếng, mê tín dị đoan nhằm xóa tan những hiểu lầm tiêu cực về một ngày Lễ truyền thống linh thiêng của dân tộc Việt và đạo Phật.  

Xin nguyện cầu cho tất cả chúng ta có một mùa lễ Vu Lan tròn đầy Hiếu hạnh và không quên công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà hiện còn sống hay đã quá vãng, và tổ tiên của nòi giống Lạc Hồng.

Thiện Ý
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 296
  • Tháng hiện tại: 41141
  • Tổng lượt truy cập: 9557559

Lịch vạn sự

Tài khoản nhận cúng dường

 

Tài khoản tại CHLB Đức:
Konto-Nr.: 62715, Bankleitzahl: 760 694 40
Kreditinstitut: Raiffeisenbank Altdorf - Feucht eG
Begünstigter: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE68 7606 9440 0000 0627 15,
SWIFT-BIC: GENODEF1FEC
 
Tài khoản tại Việt Nam:
Tài khoản số: 060044816299
Tại ngân hàng: Sacombank,
Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tài khoản: Phạm Đức Phong
 
Tài khoản nơi có cộng đồng Việt Nam ở Hải ngoại:
Tài khoản số: 0170 003 105,
Ngân hàng số: 501 310 00
Tại ngân hàng: Vietinbank
Chủ tài khoản: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE60 5013 1000 0170 0031 05,
SWIFT-BIC: ICBVDEFF

Hướng dẫn đường đi

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về website này

Tốt

Trung bình

Không có ý kiến gì

Cần thay đổi nhiều

Quảng bá