Lục Tổ vốn cha mất sớm, nhà nghèo nên không được đi học mà phải gánh củi đi bán nuôi mẹ, nhưng một ngày kia bỗng nghe một người đọc tụng kinh Kim Cang mà bừng tỉnh cơn mê, quyết chí phát nguyện xuất gia cầu đạo giải thoát. Trải qua bao gian nan, đến khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát và khai thị cho cũng bằng kinh Kim Cang, Huệ Năng hốt nhiên đại ngộ khi nghe câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, bèn tán thán rằng:
“Ðâu ngờ tâm mình xưa nay vốn hằng thanh tịnh!”
Như thế, ta thấy Tổ Huệ Năng đã nhờ kinh Kim Cang mà giác ngộ, và do đó, kinh Kim Cang cũng trở thành một tạng kinh chủ yếu của Thiền tông. Kinh Kim Cang có thể nói như kim chỉ nam, như bảng chỉ đường cho những người tu thiền đi theo đúng hướng, và ngược lại, muốn hiểu kinh Kim Cang thì chỉ có tọa thiền mới thể nghiệm được thực sự ý nghĩa của kinh.
Thiền là đi thẳng vào tâm bình thường của thực tại hàng ngày và nhận ra trong cái tâm sinh diệt đầy vọng động đó đã có sẵn tâm giác ngộ không sanh diệt. Ðiều đó gọi là Kiến Tánh hay Bản Lai Diện Mục, tức là nhận biết được con người nguyên thủy thực sự vốn có sẵn trước khi được cha mẹ sinh ra con người ta hiện nay. Kiến Tánh là bước đầu để chuyển hóa từ một phàm phu thành Phật. “Phật” theo quan điểm nhà Thiền là người đã giác ngộ được tánh không sanh diệt hằng có nơi mình, không phải là một vị thần thánh siêu phàm từ trên trời rơi xuống. Tánh Phật chính là đồng với tánh chúng sanh, khi mê là chúng sanh, khi ngộ là Phật, tất cả đều do một gốc Tâm mà ra. Nếu biết được Phật sẵn có nơi mình, chẳng cần phải tu đến ba a tăng tì kiếp mới thành Phật, còn nếu không thấy được Tự Tánh của chính mình, dù có tu đến bao nhiêu kiếp cũng không ngộ được Phật. Ðó là quan điểm chính của Thiền môn.
Nhưng vấn đề khó khăn nhất của một hành giả là phải đối phó với tâm vọng động của mình. Từ vô lượng kiếp tới nay, vì những cuốn hút trong vọng niệm mà một màn vô minh dầy đặc đã bao phủ lên tâm con người, khiến gây ra nghiệp báo không ngừng, đưa chúng ta vào biển khổ trầm luân. Cho nên việc trước tiên hành giả phải làm là điều phục vọng tâm, và an định trong cái sáng suốt thường hằng của giác tâm. Ðó cũng là hai vấn đề mấu chốt mà ngài Tu Bồ Ðề đặt ra cho Ðức Phật trong kinh Kim Cang.
Muốn hàng phục vọng tâm, theo như lời Ðức Phật nói trong kinh, trước hết là phải thấu tỏ tánh Không nơi chính mình.”Mọi hình tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi đều như huyễn, như mộng, như ánh chớp, như sương sa,” cho nên thân ngũ uẩn mà chúng ta đang có thực chất chính là Không. Chỉ khi nào cảm nghiệm thật sâu sắc sự huyễn hóa vô thường và cái Không nơi chính mình, hành giả mới buông bỏ được những vọng niệm xuất phát từ cái Ngã, và không còn thấy là thật tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Do không thấy tướng mình, tướng người, nên không còn chấp trước được mất, hơn thua. Cho nên bậc Bồ Tát đã giác ngộ bố thí mà không thấy có bố thí, độ người cũng không thấy có ai độ ai cả, đắc Pháp mà không thấy có đắc, và cũng chẳng thấy có Pháp nào để mà đắc. Bởi vì nếu còn thấy người, thấy ta, còn ranh giới hai bên là còn vọng niệm, chưa ra khỏi tướng Ngã của mình. Chỉ khi nào không còn thấy tướng Ngã nữa thì chẳng cần diệt vọng niệm cũng tự tan, và mới thực sự đạt được tâm bình đẳng của Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Nhưng như vậy có sợ rơi vào cái Không của sự đoạn diệt hay không? Thực sự ra, cái Không ở đây là Chân Không Diệu Hữu, tức là nền tảng vô vi từ đó khởi lên những hiện tượng hữu vi, cho nên Không và Sắc là hai mặt không rời nhau trong một hiện tượng. Không là Thể, và Sắc là Dụng, Không là gốc, và Sắc là ngọn, nếu biết trụ nơi gốc rễ thì sẽ không bị chao đảo theo ngọn. Cái nhìn đúng thực là thấy tướng không thực là tướng, vì tướng do duyên hợp mà thành, vốn không tự có, hợp và tan theo duyên nên bản chất là không, nhưng hiện tướng còn đó thì vẫn tạm gọi đó là tướng. Cho nên kinh nói: “Tướng không phải tướng, ấy gọi là tướng.” Ðó là cái nhìn Trung Ðạo, không chấp có, cũng không chấp không.
Nhưng trong cuộc sống thế gian luôn luôn phải tiếp xúc với ngoại cảnh trước mắt, làm sao để có thể an trụ tâm trong tỉnh giác? Phật nói:
“Chẳng nên trụ nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, chỉ nên sanh tâm không trụ vào nơi nào cả. Nếu như tâm còn có chỗ trụ, tức chẳng phải là an trụ.”
Như vậy có nghĩa là đi tìm cái Không để trụ tâm chăng? Thực sự ra, cái Không đã có sẵn nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp rồi, chỉ cần không trụ vào chúng, có nghĩa là không dính mắc nơi chúng, là tâm đã trụ nơi chỗ vô trụ. Bất cứ mọi khởi niệm chấp thủ, trụ trước vào đâu đều phải buông bỏ. “Ngay cả Pháp cũng phải buông, huống gì là không phải Pháp”. Tâm không trụ ở ngay trong trần cảnh mới thực là tâm an trụ, vì ở trong cảnh mà không bị cảnh làm mê hoặc. Tâm vô trụ là tâm giải thoát, tự tại tự do, không bị lôi cuốn theo hiện tượng nên vững chãi bất động; đó là Tâm Kim Cang Bát Nhã, kiên cố sáng ngời, bao la thông suốt vô ngại. Thấy Tâm ấy là thấy Phật, chẳng cần phải vọng cầu nơi đâu nữa. Nếu còn đi tìm Phật ở ngoài Phật, tức tâm mình, sẽ chẳng bao giờ thấy được Phật. Kinh nói:
Nếu lấy sắc cầu ta
Lấy âm thanh cầu ta
Kẻ ấy hành đạo tà
Không thấy được Như Lai.
Ý kiến bạn đọc