Năm 12 tuổi, Hòa thượng được gia đình cho theo học tại chùa làng 5 năm. Do đó, trở thành mến đạo và có ý định xuất gia. Đến năm 17 tuổi, được cha mẹ cho phép và qua sự hướng dẫn, giới thiệu của sư cụ Thanh Dương, Hòa thượng chính thức xuất gia nhập đạo dưới sự dạy dỗ trực tiếp của Tôn sư Thích Thông Dũng tại chùa Mai Xá huyện Lý Nhân tỉnh Nam Hà. Với tư chất thông minh và tính cần cù, hiếu học, Hòa thượng tiếp thu nhanh chóng giáo lý và các nghi thức tụng niệm, cho nên chẳng bao lâu sau khi xuất gia Hòa thượng đã được thụ giới Sa di.
Với tinh thần hòa hợp và sách tiến trong tăng chúng, năm 19 tuổi Hòa thượng đã cùng một số tăng ni trẻ thành lập Đoàn thanh niên Tăng lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ.
Năm 20 tuổi, Hòa thượng thụ giới Tỷ khiêu, sau đó tiếp tục đi học và kết hạ trong suốt 5 năm.
Đến năm 20 tuổi, Hòa thượng bắt đầu ra trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, Nam Hà. Sau đó một năm lại trở về trông coi chùa Mai Xá vì Tôn sư của Hòa thượng viên tịch.
Năm 1932, Hòa thượng đã cùng với các vị Tăng sĩ và cư sĩ Phật tử thành lập Ban Phật học Tùng thư để nghiên cứu phiên dịch và ấn hành các kinh sách với mục đích phổ độ giáo lý cho các hàng Phật tử.
Đến năm 1934, với tinh thần trách nhiệm đối với Phật pháp đương thời, nhận thấy cần phải phục hưng chấn chỉnh và phát triển sâu rộng Phật giáo trên toàn Bắc Việt, nên Hòa thượng đã cộng tác chặt chẽ với các tăng ni, phật tử có đạo tâm và uy tín để tiếp nhận chùa Quán Sứ Hà Nội làm trụ sở trung ương và chính thức thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm cơ sở pháp lý cho việc phục vụ chính pháp. Bởi vậy, lịch sử Phật giáo Việt Nam viết thêm một trang tươi sáng.
Năm 1935, để truyền bá giáo lý, gây ý thức về chủ trương chân chính của Hội trong việc tương trợ lẫn nhau khi hoạn nạn lúc đau yếu hay lâm chung, trong việc hệ thống hóa và đoàn thể các hàng Phật tử, tăng ni cùng cư sĩ, Hòa thượng cùng với bản hội đã cố gắng xuất bản tờ tuần báo “Đuốc Tuệ” và lập nhà in Đuốc Tuệ là tiền thân của bán nguyệt tập san Diệu âm và Phương Tiện sau này. Ngoài ra Hòa thượng còn chủ trương xuất bản một tờ nhật báo Tân tiến.
Năm 1936, Hòa thượng nhận thấy chùa Quán Sứ cũ không đủ đáp ứng những nhu cầu cần thiết như : Nghi lễ, Hội họp, diễn giảng và tiếp tân, bởi lẽ, sau khi được thành lập, chẳng những các phật tử trong nước tới chiêm bái mỗi ngày một đông đảo mà còn có các du khách ngoại quốc thường lui tới. Vì thế, Hòa thượng đã đứng ra đại diện tái thiết toàn bộ ngôi chùa này trên một quy mô kiểu mới.
Việc này đã khởi công đặt chân móng vào ngày mồng 8 tháng tư năm Bính Tý (1936). Đồng thời tổ chức Đại lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Vĩnh Nghiêm) lên ngôi Thiền gia Pháp chủ, và lập trường Tăng học đặt tại chùa Bồ đề, bên cầu Long Biên, Gia Lâm Hà Nội. Ngoài ra Hòa thượng còn tích cực vận động được 50 mẫu ruộng để giải quyết vấn đề kinh tế căn bản cho các tăng sinh yên tâm tu học.
Vào năm 1937 – 1938, Hòa thượng đã sang Trung Hoa 11 tháng để tham khảo Tam tạng kinh điển, thăm viếng các cơ sở Phật giáo, tiếp xúc với những nhà lãnh đạo lớn của Phật giáo Trung Hoa như Thái Hư Đại sư, Thiện Nhân pháp sư… và thu lượm những kinh nghiệm cũng như phương pháp tổ chức chỉ đạo. Cuối năm 1938, Hòa thượng lại sang Lào, Thái Lan lập các chi hội Phật giáo Việt kiều Hải ngoại và đặt quan hệ Phật sự với các đoàn thể Phật giáo của hai nước.
Năm 1941 – 1942, nhằm dạy dỗ thanh thiếu niên và tạo một nơi an nghỉ cuối cùng cho các Hội viên quá cố, Hòa thượng đã ủy thác cho đạo hữu Nguyễn Hữu Kha, tức Thiều Chửu lập trường học Phổ Quang, và nghĩa trang tế độ. Cả hai cơ sở này đều tọa lạc trong vùng ngoại ô Hà Nội. Một trường Ni học cũng được khai giảng tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm Hà Nội. Trường Tăng học trước cũng đặt tại chùa này, tăng chúng mỗi ngày một đông, do đó phải chia ra và di chuyển tới chùa Cao Phong, Phúc Yên do Hòa thượng Tuệ Tạng hướng dẫn, tới chùa Côn Sơn, Hải Dương do Hòa thượng Tố Liên giảng dạy, tới chùa Hải Dương do Hòa thượng Thái Hòa đào luyện. Cả bốn ngôi chùa trên đều thuộc của Hội, và dưới quyền giám hộ trực tiếp của Hội.
Năm 1945 – 1946, một nạn đói kém lan truyền khắp Bắc Việt, tiếp theo một biến cố lịch sử đã đưa đất nước Việt Nam sang một vận hội mới đầy vinh quang : Đó là cuộc cách mạng giành độc lập thắng lợi của toàn dân, do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lãnh đạo, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thể hiện lòng từ bi cứu khổ và góp phần vào việc xây dựng xã hội mới, Hòa thượng đã cùng với Hòa thượng Tố Liên và cư sĩ Triều Chửu thành lập tổng hội Cứu tế tại chùa Quán Sứ Hà Nội để giúp đỡ tiền gạo cho những người đói khổ, dựng một cô nhi viện nuôi hơn 200 trẻ em thất lạc bơ vơ không nơi nương tựa, không may cuối năm 1946, chiến tranh lại bùng nổ trên toàn quốc, số phận các cô nhi viện cực kỳ bấp bênh và các phật sự phải tạm dừng. Hòa thượng đã đưa một phần các em về chùa Mai Xá, Nam Hà và dạy cho chúng làm nghề thủ công như đan mũ cối, xe đay, kéo sợi và dệt chiếu để tự túc. Còn các em khác thì được đạo hữu Thiều Chửu dẫn lên Phúc Yên sinh sống.
Năm 1950, Hòa thượng đã thỉnh được toàn bộ Tân tu Đại chính Đại tạng từ Nhật Bản để bổ sung vào thư viện Phật giáo tại chùa Quán Sứ. Vấn đề thỉnh Đại tạng kinh này đã được lưu ý từ khi Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập. Song song với việc này, Hòa thượng Tố Liên đã đi tham dự
Đại hội thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới họp tại thủ đô Tích Lan (Sri-lan-ca).
Năm 1951, để thích ứng kịp thời với phong trào Phật giáo thế giới đang phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Úc… 6 hệ phái Phật giáo của Bắc, Trung, Nam đã họp tại chùa Từ Đàm (Huế), thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ và Hòa thượng Trí Hải làm đệ nhất phó hội chủ.
Năm 1952, theo nhịp bước tiến chung của Phật giáo trong nước và nước ngoài, Giáo hội Tăng Già Việt Nam được thành lập tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, cũng nằm trong tinh thần và hoạt động thống nhất toàn quốc. Đại hội suy tôn Đại lão Hòa thượng Tuệ Tạng (Thích Thanh Thuyền) lên ngôi Thượng thủ, và bầu Ngài làm trị sự trưởng.
Năm 1953, với mục đích đào tạo tăng tài và trao đổi văn hóa Phật giáo với các nước trong tổ chức Phật giáo Thế giới, Hòa thượng cùng với các quý Hòa thượng khác, dưới danh nghĩa Tổng hội và Giáo hội đề cử một số quý thầy như : Thanh Kiểm, Tâm Giác, Phúc Tuệ, Thiên Ân, Trí Không, Minh Châu, Huyền Dung… sang du học tại Ấn Độ, Tích Lan (Sri-lan-ca) và Nhật Bản.
Và cùng trong năm này, Hòa thượng đứng ra xây dựng trường trung – tiểu học Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa Hàm Long Hà Nội. Tuy nhiên, trong chùa Quán Sứ bấy giờ cũng đã có trường tiểu học Khuông Việt, cả hai trường đều dạy theo chương trình thế gian.
Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Hòa thượng đã vận động xây chùa Phật giáo Hải Phòng, trong 3 tháng hoàn thành.
Năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ra đời với đường lối mới tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Hòa thượng cũng hòa mình tham dự với chư Tăng, nhưng vì tuổi cao sức yếu cho nên Hòa thượng không giữ một chức vụ nào. Tuy nhiên tại chùa Phật giáo Hải Phòng, Hòa thượng vẫn cố gắng hướng dẫn Phật tử, sáng tác và phiên dịch nhiều tác phẩm. Trước sau về văn học Phật giáo, Hòa thượng đã hoàn thành được 27 cuốn :
• Nhập Phật Nghi tắc
• Nghi thức tụng niệm
• Khôn sống
• Gia đình giáo dục
• Truyện Phật Thích Ca
• Phật học ngụ ngôn
• Lời vàng
• Kinh Thập thiện
• Kinh kiến chính
• Phật học phổ thông
• Phật học vấn đáp
• Đồng Nữ La Hán
• Cái hại Vàng Mã
• Phật hóa tiểu thuyết
• Kinh lục độ tập
• Tâm chúng sinh
• Thanh gươm trí tuệ
• Luận Quán Tâm
• Phẩm Quán Tâm
• Khóa Hư lục
• Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
• Nhân gian Phật giáo Đại cương
• Nghi thức Tam quy
• Duy Ma Cật và Viên Giác
• Các văn sớ
• Nghĩa khoa cúng chúc thực
• Phật giáo triết học
• Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1979, sau khi Tổ quốc thống nhất được 4 năm, Hòa thượng vào tham quan miền Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh trong 3 tuần, được toàn thể Tăng Ni, Phật tử đón tiếp nhiệt liệt và kính mến. Đặc biệt, khi trở về miền Bắc được ít hôm, Hòa thượng lâm bệnh và thị tịch nhẹ nhàng, nhằm ngày 07 tháng 6 năm Kỷ Mùi (30.6.1979) tại chùa Phật giáo Hải Phòng.
Hòa thượng trụ thế 74 tuổi, hoằng đạo 57 năm.
Tóm lại: Cố Hòa thượng Thích Trí Hải là một trong những bậc cao tăng của lịch sử Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng vẫn sống mãi trong lòng Tăng Ni Phật tử hiện tại cũng như tương lai.
(Bản tiểu sử này do Tổ Đình Vĩnh Nghiêm biên soạn và được đọc trong buổi phát tang tưởng niệm Tổ tại chùa Vĩnh Nghiêm năm 1979)
Ý kiến bạn đọc