BƯỚC ĐẦU TU THIỀN

Đăng lúc: Thứ năm - 08/03/2012 19:50 - Người đăng bài viết: Redakteur
Con đường Phật đạo tuy dài và xa, nhưng tột cùng thì chẳng phải đi qua một tấc đất nào cả. Tuy phải mất đến ba a tăng tì kiếp để tu trì, chứng ngộ và thành tựu, nhưng chân tâm không ở đâu xa. Tuy có thể có biết bao nhiêu hiểm nguy và trở ngại khó khăn, nhưng kho báu là ở ngay gần đó. Người tu chỉ cần sai lầm trong một bước hay chỉ trong một niệm khởi, cũng có thể đi lạc đến mười tỉ quốc độ và một tỉ a tăng kỳ kiếp.
BƯỚC ĐẦU TU THIỀN

BƯỚC ĐẦU TU THIỀN

Muốn thành Phật, chỉ cần thấy tánh của mình. Những lời Phật thuyết giảng trong kinh là để chỉ dẫn cho ta thấy được bản chất của mình, nhưng trên thực tế sự chứng ngộ không có liên quan gì đến những giáo lý và không dựa trên một ngôn từ nào cả.

Thấy tánh không có phân biệt giữa người khôn và người ngu, kẻ giầu hay người nghèo, tăng sĩ hay cư sĩ, kẻ Ðông hay người Tây, người xưa hay người nay. Tất cả chỉ tùy thuộc vào tâm nguyện muốn được giác ngộ hay không, và có được sự hướng dẫn đúng hay là sai.

Dù cho bạn có được thọ giáo với cả ngàn vị Phật và vô số các vị Tổ thiền tông, nhưng nếu không biết tập trung giữ chánh niệm liên tục trong một lòng tin nhất quán và thanh tịnh, bạn sẽ không bao giờ thấy tánh và giác ngộ được. Vì thế bạn phải dùng chính tâm của mình để ngộ được bản tính của mình, dùng chính trí tuệ của mình để hiểu rõ đời sống của mình. Nếu không liên tục giữ chánh niệm và không có sự nhất quán thanh tịnh, những nỗ lực tu trì sẽ chẳng đi đến đâu.

Chừng nào chưa tập trung nhất quán được trong lúc động cũng như lúc tịnh, sẽ khó thể điều hợp tâm mình, dù chỉ là một chút nào đó. Tập trung giữ chánh niệm phải được thực hiện ngay trong lòng những hoạt động hàng ngày, không phải chỉ tìm ở nơi yên tĩnh mới được.

Có khuynh hướng cho rằng hành Thiền phải ở trong môi trường yên tĩnh, và những hoạt động sẽ làm cho phân tán tâm, nhưng thực sự năng lực có được trong tĩnh lặng là không có gì chắc chắn. Khi phải đối phó với những hoàn cảnh năng động sống thực, năng lực đó sẽ thể hiện thật yếu ớt và chẳng thể tin cậy vào được. Trường hợp như vậy, làm sao gọi là có năng lực được?

Muốn mau thấu tỏ chân lý và được tự tại trong mọi hoàn cảnh, không có gì tốt hơn là giữ tỉnh giác ngay trong những hoạt động. Vì vậy có câu nói rằng người tu hành học Ðạo là phải ngồi thiền ngay giữa lòng của thế giới vật chất này.

Tam Tổ Thiền tông (Tăng Sán) đã nói rằng: “Muốn đến Nhất thừa, chớ ghét sáu trần.” Ðiều đó không có nghĩa là ta có thể buông lung trong sáu trần, mà có ý nói là ta phải không ngừng giữ chánh niệm, không bám víu cũng không chối bỏ các căn trần của chúng ta trong đời sống hàng ngày, tựa như một con vịt nhúng mình vào nước mà không bị ướt lông vậy.

Nếu ngược lại, bạn khinh rẻ những đối tượng căn trần và cố tránh chúng, bạn sẽ rơi vào những khuynh hướng chạy trốn và không bao giờ thành tựu được Phật đạo. Nếu bạn thấu tỏ được bản chất của vạn pháp, thì những đối tượng sáu trần đó tự chúng là Thiền; những dục vọng khởi lên tự chúng là Ðạo Vô Nhị; và tất cả mọi thứ đều là thể hiện của Chân Lý. Trong trạng thái đại định vô phân biệt giữa động và tịnh, thân và tâm đều được tự do và khai phóng.

Ðối với những người tu mà cố tránh né các trần và những ham muốn căn thức của mình, dù cho tâm họ có rỗng lặng không một niệm khởi và thấy như có một cái nhìn hoàn toàn sáng suốt, nhưng khi ra khỏi cảnh tĩnh lặng và đi vào những hoàn cảnh sống thực, họ như con cá ra khỏi nước, như con khỉ rời khỏi cây vậy.

Nếu bạn nhất tâm cẩn trọng trong việc xử dụng thì giờ của mình, ý thức đến tánh vô thường của cuộc đời, tập trung nhất quán thiền định ngay cả lúc đang ở giữa những đối tượng ham muốn, nếu bạn cứ thẳng bước tiến tới, những bức tường sắt trước mặt sẽ mở ra. Bạn sẽ kinh nghiệm được một niềm vui bao la như đang đi trên đỉnh núi Nam Bắc Cực và làm chủ được mình ngay trong những đối tượng căn trần. Bạn sẽ như một hoa sen nở ngay trong lòng lửa, càng thêm rực rỡ và tỏa hương thơm ngát hơn khi tiếp xúc với năng lượng của lửa.

Ðừng nói rằng những người cư sĩ sống trong thế giới đầy ham muốn này của căn trần sẽ khó mà tọa thiền, hay là khó mà tập trung khi còn biết bao nhiêu là những bổn phận thế gian, hoặc là vì có những nghề nghiệp phải làm nên không thể thực tập thiền định được, hay những người nghèo và người bệnh không có năng lực để tu Ðạo. Những cái cớ như vậy tất cả chỉ vì thiếu niềm tin và ý chí muốn giác ngộ còn hời hợt.

Giả tỷ như bạn sắp mất một đứa con duy nhất trong một đám đông hay làm rơi một viên ngọc vô giá, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ để đứa trẻ hay viên ngọc đó mất luôn, chỉ bởi vì chung quanh quá đông người chen chúc không? Bạn có nhất định đi tìm cho bằng được không dù là đang có nhiều việc phải làm, hay đang nghèo, đang bệnh hoạn không? Dù cho bạn có phải xông vào trong một đám đông đầy chặt người và tiếp tục tìm kiếm đến đêm, chắc bạn cũng sẽ không yên lòng được cho tới khi nào bạn tìm ra được đứa trẻ hay viên ngọc quý giá đó.

Ðược sinh ra làm người và có cơ duyên nghe chân pháp là cả một cơ hội hiếm có; vì thế lấy cớ là phải lo công ăn việc làm mà không chịu tu tập Thiền là đã xem Huệ Mạng của chân lý và trí tuệ nhẹ hơn là những sở hữu thế gian. Nhưng nếu bạn nhất tâm tìm kiếm trí tuệ như một người vừa mất đứa con hay làm rơi một viên ngọc quý, một ngày nào đó chắc chắn là bạn sẽ gập được, và lúc đó sẽ cảm thấy một niềm hân hoan hạnh phúc vô bờ.

Trong tất cả những lối đi của cuộc đời con người ai cũng có đủ mọi công việc cần phải làm; làm sao có thì giờ nhàn rỗi mà ngồi yên lặng tọa thiền suốt ngày được? Nhưng có những người dạy Thiền mà chưa đạt được sự tỉnh giác, lại dạy người đi tìm sự cô lập và tĩnh lặng, tránh xa những nơi đông đúc, lấy cớ rằng “không thể triệt để tập trung thiền định được ở trong những nơi làm ăn, buôn bán hay lao động”, thế là họ đã làm cho những người theo học họ xử dụng tâm một cách sai lầm.

Những lối nói như vậy có thể làm cho người nghe nghĩ rằng Thiền là một điều gì khó làm, khó thực hành, khiến cho không còn có hứng thú muốn tu tập, để rồi buông lơi đi và cố trốn tránh, dần dà sẽ trở nên chán nản. Thật quả là một điều đáng trách. Ngay cả những người rất nhiệt tình vì đã có một nhân duyên nào trong quá khứ, cũng nhân đó mà đi đến chỗ bỏ bê công ăn việc làm và chểnh mảng những bổn phận xã hội của mình để tập trung cho việc tu Ðạo.

Xưa và nay đã từng có nhiều người được giác ngộ và thấy tánh ngay giữa những hoạt động thường ngày. Trong tất cả các thời và các nơi chốn, tất cả các pháp đều là biểu thị của một Tâm duy nhất. Khi tâm ấy khởi lên, tất cả mọi sự đều khởi. Khi tâm ấy yên lặng, tất cả mọi sự đều yên lặng.

“Khi tâm bất sanh, tất cả mọi sự đều thanh tịnh.” Vì thế, dù cho bạn có đi vào chốn rừng sâu núi thẳm ngồi yên lặng tọa thiền, mà nếu chưa dứt được những khởi niệm tâm viên ý mã, bạn cũng chỉ phí thì giờ mà thôi.

Những phương cách tọa thiền và quán tâm đã được truyền đi từ thời Ðức Phật và những vị tổ Thiền tông. Tuy nhiên cũng có những loại thiền được áp dụng với những người cầu sở đắc cho cá nhân, đi tìm những cảnh giới mới lạ cao siêu, hoặc theo những môn phái tà đạo nào khác. Nhưng những ai muốn cầu sự giác ngộ vô thượng thì chỉ nên thực hành tọa thiền theo đạo Phật.

Các vị Phật, Tổ và những bậc tu hành chân chính đều mang một tâm Ðại Bi trong sự tu trì, không bao giờ quên những chúng sanh vô biên khác. Trong tọa thiền, nghệ thuật cốt yếu là giữ cho thân được thẳng, luôn giữ chánh niệm và điều hòa hơi thở.

Trong một căn phòng sạch sẽ trống trải hoặc dưới một gốc cây, hay trên một tảng đá, hãy trải một tấm chiếu dầy lên. Rồi mở dây lưng cho lỏng và ngồi xuống. Ngồi thẳng người, không nghiêng về phía trước hay ngả ra phía sau, giữ cho tai thẳng hàng với vai, và mũi thẳng hàng với rốn. Ðừng nhắm mắt lại, vì làm như vậy sẽ dễ bị hôn trầm và mê muội. Hãy hướng sự chú tâm vào lòng bàn tay trái, và cho năng lượng tràn đầy nơi phía dưới bụng, cho đến vùng hạ bộ và chân.

Cho năng lượng tỏa rộng nơi vùng khí hải ở khu vực dưới rốn, hít một hơi sâu và rồi thở ra hoàn toàn bằng miệng. Xong ngậm miệng lại và thở bằng mũi một cách nhẹ nhàng, đều đặn liên tục, không nhanh không chậm. Yù thức đến mọi hơi thở ra, thở vào, trụ tâm vào nơi không niệm khởi. Nếu tích cực tập trung, chân khí sẽ tự nhiên tỏa ra tràn đầy và năng lượng được tăng cường. Phần bụng dưới của bạn sẽ trở nên kiên cố thành một khối như một quả bóng.

Khi sự tập trung được liên tục, những yếu tố vật chất của thân được điều hòa, những bộ phận nội tạng được thanh lọc, và phần trên của thân trở nên trong sáng, mát mẻ trong khi phần dưới được ấm áp. Thân và tâm sẽ tự nhiên phát sinh được sự an lạc lớn lao.

Khi bạn giữ tỉnh giác trong mọi hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi, trong sự cởi mở, an bình và trong sáng, một chí nguyện mạnh mẽ sẽ khởi lên trong tâm bạn. Lúc này, nếu bạn còn một chút ý thức phân biệt nào, hay bất kỳ một khởi niệm nào về sự an lạc, kiến tánh, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng sinh tử, dù cho có trải qua đến cả trăm a tăng tỳ kiếp hay cả ngàn kiếp tái sinh.

Nếu bạn có một niềm tin sâu xa và quyết buông bỏ hết tất cả để rơi vào cái Chết toàn diện, đột nhiên bạn sẽ thấy cái “đáy thùng rơi ra” và vượt qua khỏi muôn vàn a tăng tì kiếp trong một chớp mắt, dẫm nát vũ trụ chỉ trong một bước chân.

Con người ai cũng đều có sẵn trí tuệ và đầy đủ các hạnh, đều có sẵn Viên Ngọc Như Ý hoàn hảo nơi mình, nhưng đã tự mình làm cho đọa lạc và nghèo nàn đi. Có những người nói là họ thiếu khả năng, hay đang bị bệnh tật, hoặc có nhiều chướng ngại từ trước để lại, bị hoàn cảnh bó buộc, hay không gập được thầy chỉ dậy, hoặc sự chỉ dậy yếu kém, hoặc có những nghề nghiệp chuyên môn, hay là phải lo những công việc nhà. Tự tạo cho mình sự lười biếng và chán chường, uể oải và thụ động, họ không khởi được cái quyết tâm tu tập Thiền và học Ðạo.

Một ngày nào đó khi sự đau khổ của bệnh tật đến với bạn, vọng tưởng sẽ tăng lên tràn ngập, ngọn lửa trong tâm bùng lên, bạn sẽ khổ sở trong sự đau đớn. Nhìn kỹ lại thế giới này, ta sẽ thấy rằng người ta bị giết bởi những vọng tưởng giả dối nhiều hơn là những tật bệnh của thân.

Nếu bạn không tự giải thoát mình kiếp này, còn đợi tới kiếp nào nữa? Mỗi một ngày qua đi, là chừng đó cuộc đời bạn qua đi. Trong từng ý niệm phù du, hãy quán sát sự vô thường của những sắc tướng trong thế gian này và đừng chờ đợi đến một ngày mai trong tương lai. Trong từng bước chân hãy đi trên con đường Ðại Ðạo nơi tâm, và đừng quay sang con đường khác.

Bạn phải buông bỏ hết cả tay lẫn chân, như đang nhẩy từ mỏm núi cao xuống. Khi thân và tâm đã chết đi cùng một lúc, ta thấy tựa hồ như đang đứng ở ngay giữa không gian vũ trụ, như đang ngồi ngay giữa trung tâm điểm của một lọ thuỷ tinh trong suốt. Ðột nhiên một trạng thái vĩ đại sẽ hiển lộ ra, không bình thường, cũng không thiêng liêng, không Phật, không tâm, không gì cả; bạn sẽ đạt được sự nhận thức sâu xa rằng tâm, Phật, và chúng sinh tất cả đều là một. Ðây chính là thân thực của tất cả các vị Phật, là bản tính sẵn có của tất cả mọi con người. Giác ngộ được điều ấy, một người thường sẽ trở thành một vị Phật hay Tổ; còn nếu không làm được, sẽ mãi mãi chỉ là một phàm phu.

Ngay cả khi đã được đại ngộ và hiểu thấu rõ ràng mọi thực thể, nếu bạn bị vướng mắc vào trong sự tu và đạt ngộ, Phật đạo cũng không thể hiện được. Bạn phải biết có cái siêu việt lên trên cả cái siêu việt.

Ðối với những vị thiền giả sống thực, dù có một cái gương sáng tỏ đặt trước mặt họ, họ cũng phá vỡ nó ngay. Dù cho có một viên ngọc trai quý giá được để trong tay họ, họ cũng đập nát nó ngay. Như viên đạn nổ xuyên thấu không gian, như rặng núi phía đông di động trên nước. Ðã có duyên may biết được rằng mọi chúng sinh đều có tánh Phật, và rằng ngay nơi chỗ mình đứng đã sẵn có một vấn đề trọng đại nhất trên đời, hãy không ngừng tìm hiểu đến vấn đề ấy, hai mươi bốn giờ một ngày, cả về lý cũng như về sự. Ai là người đang đứng, ai là người đang ngồi, cái gì làm cho hành động, cái gì là tâm?

Nếu bạn cứ tiếp tục công phu dũng mãnh và tinh tấn, dốc hết tâm lực tự vấn trong vòng ba đến năm năm, không hề thối chuyển, thế nào bạn cũng giác ngộ được cái vi diệu bao la không thể nghĩ bàn.

Nuôi dưỡng thánh thai, ứng dụng vào đời sống sau khi giác ngộ quả thực là điều không dễ dàng. Cổ đức nói, “Trí năng bị cầm giữ lại sẽ rơi vào một đại dương độc hại.” Ðiều quan yếu cần biết là phải triển khai sự giác ngộ và bảo tồn Ðạo Tỉnh Giác sống thực qua những bí quyết thực hành và ứng dụng.

Ðừng rơi vào sự sai lầm của những ý tưởng thấy mình đã đắc được điều gì đó, kẻo rồi có thể trở thành một ngạ quỷ suốt đời lo canh chừng một kho tàng, hoặc rồi tự làm mình đói trong khi của cải đang chất nay. Ngay cả khi bạn thấy được cõi giới Phật thị hiện và cảm nhận được cõi giới thanh tịnh ấy, bạn cũng chỉ thấy được một lần, không có đến lần thứ hai.

Tôi hi vọng rằng bạn sẽ tập trung tâm ý và buông xả khi thở ra, thở vào, dứt bỏ những vọng khởi lăng xăng trong dòng tâm thức, kế tục những tinh hoa cốt tủy của các vị Phật và Tổ để lại, tuyên giảng giáo pháp thanh tịnh, như mật ngọt cam lồ, cho lợi ích và sự giải thoát của tất cả chúng sinh; hãy truyền trao lại trong lòng tri ân những phước lành sâu xa mà bạn đã tiếp nhận được.

Chân Thường

(Trích dịch từ Daily Zen Journal)

Đại sư Man-an (1591-1654)
Nguồn tin: Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken - Chùa Vĩnh Nghiêm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 1117
  • Tháng hiện tại: 18171
  • Tổng lượt truy cập: 10526220

Lịch vạn sự

Tài khoản nhận cúng dường

 

Tài khoản tại CHLB Đức:
Konto-Nr.: 62715, Bankleitzahl: 760 694 40
Kreditinstitut: Raiffeisenbank Altdorf - Feucht eG
Begünstigter: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE68 7606 9440 0000 0627 15,
SWIFT-BIC: GENODEF1FEC
 
Tài khoản tại Việt Nam:
Tài khoản số: 060044816299
Tại ngân hàng: Sacombank,
Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tài khoản: Phạm Đức Phong
 
Tài khoản nơi có cộng đồng Việt Nam ở Hải ngoại:
Tài khoản số: 0170 003 105,
Ngân hàng số: 501 310 00
Tại ngân hàng: Vietinbank
Chủ tài khoản: VBKZ Franken e.V.
IBAN: DE60 5013 1000 0170 0031 05,
SWIFT-BIC: ICBVDEFF

Hướng dẫn đường đi

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về website này

Tốt

Trung bình

Không có ý kiến gì

Cần thay đổi nhiều

Quảng bá