QUY CHẾ SỬ DỤNG KHUÔN DẤU CỦA BAN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO CẤP QUẬN, HUYỆN

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

------ o0o ------      

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------- O0O ----------

 QUY CHẾ  SỬ DỤNG KHUÔN DẤU

CỦA BAN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO QUẬN, HUYỆN

THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Quy chế sử dụng khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh được ban hành nhằm mục đích:

- Quy định cụ thể chức năng, quyền hạn sử dụng khuôn dấu.

- Quy định việc đóng dấu và gửi đến cơ quan liên hệ theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh.

CHƯƠNG I

CHỨC NĂNG, QUYỀN HẠN

Điều 1 : Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ban Đại diện Phật giáo huyện) là đơn vị hành chánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có đầy đủ tư cách pháp nhân hoạt động tại cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện).

Điều 2:   Khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo huyện có giá trị pháp lý thực hiện trong cùng một huyện.

Điều 3: Các công tác Phật sự có liên quan đến các Ban Đại diện Phật giáo huyện trong tỉnh chỉ có tính cách phối hợp, không mang tính chỉ đạo.

Điều 4: Khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo huyện có giá trị pháp lý trong đối nội và đối ngoại tại huyện. Nếu vượt ngoài cấp huyện thì khuôn dấu của Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội mới có giá trị pháp lý thực hiện trên phạm vi toàn Tỉnh, Thành.

CHƯƠNG II

PHƯƠNG THỨC SỬ DỤNG KHUÔN DẤU

Điều 5: Từ ngữ Pháp nhân trong Quy chế này được hiểu như sau:

- Pháp nhân Ban Đại diện Phật giáo huyện: Tức là Ban Đại diện Phật giáo huyện do Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành và UBND cùng cấp công nhận tư cách pháp nhân. Nên khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện có giá trị pháp lý trên phạm vi cấp huyện.

- Pháp nhân Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành: Tức là Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành do Hội đồng Trị sự GHPGVN và UBND cùng cấp công nhận tư cách pháp nhân. Nên khuôn dấu của Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh có giá trị pháp lý trên phạm vi cấp toàn tỉnh.

- Chỉ có pháp nhân chính thức mới có đầy đủ tư cách pháp nhân để điều hành, ký tên, đóng dấu, chỉ đạo tất cả các công tác Phật sự trong đối nội và đối ngoại tại Tỉnh, Thành hội Phật giáo theo quyết định phân công của Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo.

Điều 6: Phương thức sử dụng khuôn dấu của các Ban, Viện được quy định như sau:

-  Khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo huyện dùng để đóng dấu vào các loại văn bản, giấy tờ: Tờ trình, báo cáo, công văn xin ý kiến, công văn trả lời cho cấp dưới, giấy giới thiệu, giấy xác nhận v.v…và các loại văn bản khác theo quy định của Quy chế hoạt động của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh.

- Nơi văn bản gửi đến là các Cơ quan chức năng cấp huyện, các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong huyện.

- Nếu gửi đến Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành và Cơ quan chức năng cấp Tỉnh sau khi địa phương không thể giải quyết, cần có sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền cao hơn là Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo.

Điều 7: Các loại văn bản, giấy tờ có đóng dấu của Ban Đại diện Phật giáo huyện không được gửi vượt cấp đến Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Cơ quan Nhà nước cấp Trung ương, nếu vụ việc đang được cấp huyện, hoặc cấp tỉnh nghiên cứu giải quyết.

Điều 8: Việc gửi văn bản đến Trung ương Giáo hội và Cơ quan Nhà nước Trung ương sẽ do Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh lập thủ tục chuyển đi.

Điều 9: Khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo huyện do Chánh Đại diện, hoặc  Thư ký cất giữ tại Văn phòng, hoặc phân công khác do nội bộ Ban Đại diện phân công.

Điều 10: Việc sử dụng khuôn dấu phải theo đúng những quy định trong Quy chế này.

Điều 11: Trường hợp vì lý do khách quan, khuôn dấu của Ban Đại diện Phật giáo huyện bị mất, Chánh Đại diện phải kịp thời báo cho Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo biết để có thông báo huỷ bỏ khuôn dấu đã bị mất và tiến hành thủ tục khắc lại khuôn dấu mới theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ SỬA ĐỔI

Điều 12: Quy chế sử dụng khuôn dấu của các Ban Đại diện Phật giáo huyện gồm có 3 chương và 13 điều.

Điều 13: Quy chế này được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhất trí thông qua ngày …. tháng ….. năm 2009 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Chỉ có Ban Thường trực Hội đồng Trị sự mới có quyền sửa đổi nếu xét thấy cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện.

                                                                                                                              

 

 TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM        

Chủ tịch                               

(đã ký)                                

 

Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH           

 

Nguồn tin: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam