Bồ Đề Đạo Đăng - Đèn Soi Nẻo Giác

Hãy đọc kinh hoặc nghe thầy giảng, Để thấy được lợi ích vô biên, Của tâm Bồ Đề viên mãn, Vì thế nên liên tục phát tâm.
Đèn Soi Nẻo Giác

Bồ Đề Đạo Đăng
Tôn giả Cát Tường Atisha trước tác
རྒྱ་གར་སྐད་དུ། བོ་དྷི་པཱ་ཐ་པྲ་དཱི་བཾ།
Phạn ngữ: Bodhi Patha Pradibam
བོད་སྐད་དུ་བྱང་ཆུབ་ལམ་གྱི་སྒྲོན་མ།
Tạng ngữ: Bồ Đề Đạo Đăng tức Đèn Soi Nẻo Giác
བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་འཇམ་དཔལ་གཞོན་ནུ་གྱུར་པ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །

Kính lễ Đức Bồ Tát Văn Thù đồng tử.

1. Với tâm đại thành kính, xin đảnh lễ chư Phật của ba thời,
Cùng giáo pháp các Ngài và chư thánh Tăng,
Con sẽ thắp sáng ngọn đèn soi nẻo giác
Theo yêu cầu đệ tử thánh thiện Bồ Đề Quang

2. Nên biết, có ba hạng sĩ phu:
Thấp kém, trung bình và tối thắng.
Tánh tướng của chúng rất rõ ràng,
Tôi sẽ ghi ra sự khác biệt của mỗi hạng.

3. Người nào tìm đủ mọi cách
Chỉ vì lạc thú trong sinh tử
Mà truy cầu mục đích của riêng mình,
Nên biết, đó là hạng sĩ phu thấp kém.

4. Người nào bỏ sau lưng hạnh phúc thế gian,
Cùng tránh xa những hành vi tội lỗi,
Duy mưu cầu mục đích chính bản thân,
Hạng sĩ phu đó gọi là hạng trung bình.

5. Người nào vì đau khổ trong dòng tâm thức chính mình,
Mà phát nguyện tận diệt hoàn toàn
Tất cả nổi khổ đau của kẻ khác,
Hạng sĩ phu đó chính là hạng tối thắng.

6. Đối với những chúng sanh ưu việt,
Mong muốn đạt giác ngộ tối thắng,
Tôi sẽ nói ra phương pháp chân thực,
Của các Bậc Thượng Sư đã chỉ bày.

7. Hãy đối trước tượng tranh đấng Toàn Giác
Và trước bảo tháp tối cao,
Cúng dường bất cứ tế phẩm nào có được
Đèn, hoa, hương và các thứ…

8. Rồi với bảy dạng cúng dường
Được nói trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện,
Và với tâm không thối chuyển
Cho đến khi đạt cứu kính tinh hoa Bồ Đề.

9. Với niềm tin lớn vào Ba Ngôi Báu,
Quì gối sát đất,
Hai tay chắp lại,
Trước hết hãy qui y ba lần.

10. Sau đó, đối với tất cả chúng sanh
Với pháp tiên quyết chính là tâm từ ái,
Hãy nhìn đừng bỏ sót một ai,
Bị khổ vì sinh tử luân hồi,
Và thọ sanh trong ba nẻo ác.

11. Vì nỗi đau đớn này chính là khổ,
Vì mong muốn giải thoát chúng sanh
Thoát khỏi nguyên nhân khổ khổ
Nên phát tâm Bồ Đề,
Thề quyết không thối chuyển.

12. Bồ Đề Tâm nguyện như thế thì,
Phẩm hạnh phát khởi tâm đó là gì,
Điều này trong Hoa Nghiêm Kinh Tâm Đà La Ni
Đã được Di Lạc Từ Tôn thuyết rõ ràng.

13. Hãy đọc kinh hoặc nghe thầy giảng
Để thấy được lợi ích vô biên,
Của tâm Bồ Đề viên mãn,
Vì thế nên liên tục phát tâm.

14. Trong Viradatta Vấn Kinh
Có chỉ dạy rõ ràng công đức đó.
Để tóm tắt vỏn vẹn trong 3 thi kệ,
Cho nên tôi sẽ viết ra ở nơi đây.

15. Công đức tâm Bồ Đề
Nếu như có hình tướng,
Thì nó sẽ vượt quá
Giới hạn của không gian.

16. Có người mang nhiều châu báu
Chất đầy khắp các cõi Phật,
Số lượng tựa như cát sông Hằng,
Đem hiến cúng Đức Thế Tôn.

17. So với người chỉ chắp tay
Hướng tâm cung kính Bồ Đề,
Cúng dường này thù thắng hơn,
Vì đó không biên giới.

18. Khi phát Bồ Đề Tâm Nguyện,
Hãy nỗ lực phát triển toàn vẹn.
Để nhớ lại nguyện này trong kiếp khác
Nên thọ trì học theo giải thích.

19. Nếu không thọ giới Bồ Đề Tâm Hạnh,
Bồ Đề Tâm Nguyện sẽ không tăng trưởng.
Muốn phát triển Bồ Đề giới viên mãn
Hãy thiết tha lập thệ thọ giới.

20. Người đã từng thọ
Bảy loại Biệt Giải Thoát giới
Mới có duyên phần thọ Bồ tát giới,
Ngoài ra không được phép.

21. Đức Như Lai đã thuyết
Trong bảy loại Biệt Giải Thoát giới,
Phạm hạnh là tối thắng
Chính là giới Tỳ Kheo.

22. Nghi thức được dạy trong chương Giới Luật
Của kinh Bồ Tát Địa,
Thọ giới từ Bậc minh sư
Hội đủ đức tính thích hợp.

23. Nên biết bậc minh sư là
Vị am hiểu luật nghi,
Tự thân mình giữ giới,
Truyền giới, nhẫn nhục, lòng bi.

24. Nhưng nếu đã tìm mà không gặp
Một bậc thầy nào như thế cả,
Sau đây nói nghi thức khác
Để thọ giới cho đúng cách.

25. Đời quá khứ Đức Văn Thù Am Pa Ra Za
Đã phát tâm Bồ Đề
Như được nói trong kinh
Văn Thù Phật Quốc Trang Nghiêm
Tôi sẽ ghi rõ lại như sau.

26. Trước chư Phật chứng minh
Con phát tâm Bồ Đề Viên Mãn,
Giải thoát tất cả chúng sanh khách quí
Khỏi sanh tử luân hồi.

27. Con sẽ không để cho giận dữ, ác ý,
Bỏn xẻn, ganh tị xâm chiếm tâm con,
Khởi từ giờ phút này trở đi
Cho đến khi viên mãn Bồ Đề.

28. Con sẽ sống đời phạm hạnh thanh tịnh,
Từ bỏ tội lỗi dục vọng thấp hèn,
Học theo hạnh Phật,
Hoan hỷ trì giới.

29. Con không mong cầu
Sớm được giác ngộ,
Do vì một chúng sanh,
Nguyện ở mãi trong sanh tử

30. Nguyện thanh tịnh hoá hoàn toàn vô lượng cõi giới
Tâm bất khả tư nghì
Danh xưng này
Trụ ở khắp mười phương.

31. Con nguyện thanh tịnh hoàn toàn
Thân nghiệp và ngữ nghiệp
Cùng thanh tịnh luôn ý nghiệp,
Không làm các nghiệp bất thiện.

32. Do trì giữ các giới
Bồ Tát thanh tịnh viên mãn,
Thì hành giả sẽ kiện toàn được
Tư lương để đạt toàn giác.

33. Do vậy, việc kiên trì giữ giới
Thanh tịnh Bồ Đề viên mãn
Vì gắng sức dầy công
Sẽ kiện toàn tư lương của Bồ Đề viên mãn.

34. Tất cả chư Phật dạy rằng,
Nguyên nhân kiện toàn hành trang
Phước đức và trí tuệ
Chính là chứng đắc thần thông.

35. Như đôi cánh kia chưa vững
Thì chim nọ không thể bay trên bầu trời,
Nếu lìa thần thông lực,
Không thể lợi lạc hữu tình.

36. Người có thần thông lực
Tu phước đức một ngày
So với người lìa thần thông lực
Trăm kiếp không thể tích lũy.

37. Muốn nhanh chóng thành tựu
Tư lương Bồ Đề viên mãn,
Phải nỗ lực tu thần thông
Lười biếng không thể thành

38. Do chưa thành tựu tịch chỉ
Thần thông không phát sanh,.
Vì vậy thành tựu tịch chỉ
Nên nỗ lực tu tập.

39. Nếu các chi phần của tịch chỉ thất hoại
Dẫu nỗ lực tu tập
Trải qua hàng ngàn năm,
Cũng không thể đắc định.

40. Trong phẩm Định Tư Lương
Thuyết giảng các chi phần
Khéo chuyên chú bất cứ đối tượng nào
Ý an trụ nơi thiện.

41. Nếu thành tựu thiền chỉ
Cũng chứng đắc các thần thông
Lìa tuệ Ba La Mật
Các chướng không thể tận diệt.

42. Vì thế đoạn tận hoàn toàn
Phiền não sở tri chướng,
Do vậy nên thường tu tập
Phương tiện và tuệ Ba La Mật.

43. Trí tuệ ly phương tiện
Phương tiện ly trí tuệ
Đều gọi là ràng buộc,
Bởi thế không nên lìa cả hai.

44. Trí tuệ nào? Phương tiện nào?
Đoạn trừ các nghi hoặc
Nên phân biệt rõ ràng
Phương tiện và trí tuệ.

45. Ngoài trừ Bát Nhã Độ,
Tất cả các thiện pháp
Như Bố thí Ba La Mật v..v..
Phật thuyết là phương tiện.

46. Do tu phương tiện lực
Kết hợp với trí tuệ
Nhanh chóng đạt giác ngộ,
Không phải chỉ tu vô ngã.

47. Thông đạt uẩn giới xứ
Tất cả đều vô sanh,
Liễu tri tự tánh không
Được gọi là tuệ Bát Nhã.

48. Hữu tức sanh phi lý,
Vô cũng như không hoa,
Cả hai đều phạm lỗi,
Cả hai cũng không sanh.

49. Các pháp không tự sanh,
Cũng phi tha sanh và phi cả hai,
Cũng phi vô nhân sanh,
Nên bản thể tự tánh không.

50. Trong Thất Thập Không Tánh Lý
Và Căn Bản Trung Quán Luận v..v..
Cũng thành lập
Các pháp không tánh của tự tánh.

51. Trong Thất Thập Không Tánh Lý
Và Căn Bản Trung Quán Luận
Cũng thành lập
Các pháp không tánh của tự tánh.

52. Bởi thế, tôi không triển khai thêm
Ngại bản văn sẽ quá dài,
Chỉ dựa vào tông phái
Giải thích để tu tập.

53. Cho nên không thấy tự tánh
Trong bất kỳ hiện tượng nào,
Chính là tu vô ngã,
Đây là tu tập Tuệ.

54. Dùng Tuệ quán các pháp
Đều không thấy tự tánh,
Chính trí tuệ quán lý,
Hãy tu vô phân biệt.

55. Phân biệt sanh cõi hữu,
Thể tánh của phân biệt,
Nên đoạn các phân biệt
Là Niết Bàn tối thắng.

56. Như Thế Tôn đã dạy:
“Phân biệt đại vô minh,
Khiến rơi vào biển sanh tử,
Trụ vô phân biệt định
Vô phân biệt rõ ràng như hư không.”

57. Kinh Nhập Vô Phân Biệt Đà La Ni đã dạy:
“Phật tử đối pháp với diệu pháp này,
Tư duy vô phân biệt,
Vượt hiểm trở phân biệt
Dần dần đạt được vô phân biệt.”

58. Nhờ kinh điển và lý luận,
Định giải tất cả pháp
Vô sanh vô tự tánh,
Nên tu vô phân biệt.

59. Tu chân tánh như vậy,
Tuần tự đắc Noãn...
(1 trong 4 giai đoạn của Gia hành đạo)
Sẽ đắc Cực Hỷ Địa…
(Địa thứ nhất trong Thập Địa Bồ Tát)
Bồ Đề Phật không còn xa.

60. Do Mật chú lực
Thành tựu nghiệp tịnh, tăng v..v..,
Và Bát Đại Tất Địa lực,
Tu tập bảo bình v..v...

61. Muốn an lạc viên mãn
Đại Bồ Đề Tư Lương.
Nếu muốn tu Mật chú,
Dạy về Tác bộ, Hành Bộ v..v..

62. Khi ấy nên cầu Đạo Sư trưởng Quán Đảnh
Bằng cách y giáo phụng hành,
Hầu hạ, cúng dường châu báu v..v..
Làm hài lòng Bậc Thầy.

63. Do khiến Thầy hoan hỷ,
Thọ được viên mãn Đạo Sư Quán Đảnh
Thanh tịnh các tội là thể tánh
Là người có thiện căn tu tất địa.

64. Trong Sơ Phật Đại Tục,
Cực lực nghiêm cấm,
Hàng phạm hạnh cấm thọ
Mật cùng tuệ Quán đảnh.

65. Nếu thọ trì quán đảnh đó,
Người sống đời phạm hạnh,
Sẽ phạm cái giới cấm
Làm hoại mất các luật nghi.

66. Vị trì giữ cấm hạnh đó
Tức phạm tha thắng tội,
Nhất định sa nẻo ác,
Việc tu cũng chẳng thành.

67. Khi thọ được Đạo Sư Quán Đảnh,
Thì được nghe và giải thích các Mật bộ
Và cúng dường hỏa tịnh v..v..,
Biết chân thật thì không lỗi.

68. Thượng tọa Nhiên Đăng Trí
Kiến giải kinh pháp v..v..,
Do Bồ Đề Quang thỉnh,
Lược thuyết Bồ Đề Đạo.

Bồ Đề Đạo Đăng Luận do Đại A Xà Lê Cát Tường Nhiên Đăng Trí trước tác đã hoàn tất.

* Dharamsala ngày 26 tháng 10 năm 2012

©2012 Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Nhật Hạnh và Sa Di Pháp Đăng đồng hiệu đính nhân dịp Đức Đạt Lai Lạt Ma khẩu truyền trọn bộ Lamrim ở tu viện Drepung và Gaden từ 30/11-13/12/2012.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho Mật nhũ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.

Tác giả bài viết: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Nhật Hạnh và Sa Di Pháp Đăng

Nguồn tin: Chùa Vĩnh Nghiêm