Ý Nghĩa Chân Chính của Quy Y

Quy y Tam Bảo: Việc lớn nhất trên đời; Quy y Tam Bảo: Quay đầu lại đến được bờ; Quy y Tam Bảo phải giữ giới; Quy y Tam Bảo không phải để hùa theo đám đông; Cấp tốc lên đường Phật đạo;

Quy y Tam Bảo:  Việc Lớn Nhất Trên Ðời

Việc lớn nhất trên đời là quy y Tam Bảo, cho nên cần phải cẩn trọng, không được coi thường hay bốc đồng mà làm. Trước tiên phải chọn một vị minh sư đức độ để quy y. Như vậy có điều gì không thông suốt thì được vị Thiện-tri-thức ấy khai thị và hướng dẫn cho, hầu ngộ nhập Phật tri kiến, chứ đừng nghe theo ngoại đạo tà thuyết.

Không phải chỉ có bây giờ mới xuất hiện những pháp sư tà đạo, mà chính lúc Phật còn tại thế cũng đầy dẫy. Lúc bấy giờ có đến 96 ngoại đạo và 72 bàng môn, còn bành trướng mạnh mẽ hơn cả Chánh-pháp. Dân chúng cả tin vì không am hiểu chân lý. Các thứ tà đạo ấy thật tai hại vì có thể dẫn dắt chúng ta đi lạc đường. Ban đầu thì cầu mong được ít nhiều lợi ích, nhưng đã lạc đường rồi thì chỉ bị thiệt thòi thôi. Thật là nguy hiểm!

Nếu quý vị muốn quy y Tam Bảo, đạt được chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết-bàn, hãy tìm cầu Thiện-tri-thức. Tuy nhiên trong số các vị xuất gia vẫn lẫn lộn thật và giả, không phải tất cả đều như nhau. Nếu lầm lỡ mà theo ngoại đạo thì gặp tai hại lớn, nhưng cả tin nơi tà thuyết của pháp sư lại càng tai hại hơn nữa.

Bởi vậy quý vị đang nghiên cứu Phật-pháp hãy tránh lỗi lầm đó, thay vì mưu cầu thượng đạo thì lại bị sa đọa địa ngục, thay vì mưu cầu hạnh phúc thì lại chuốc lấy khổ não vô biên. Ðó là lý do vì sao tôi nói quy y là một lựa chọn cao nhất, không có việc gì quan trọng hơn nữa.

Khi quý vị quy y với tôi, hãy suy nghĩ cho kỹ và nhận rõ con đường mình muốn tiến tới.

Trước chư Phật, mỗi người hãy phát lộ thành tâm sám hối tất cả tội lỗi trong quá khứ. Ðược vậy tội lỗi sẽ được tiêu trừ, thiện căn sẽ tăng trưởng. Nếu không thành tâm, tội nghiệp vẫn còn nguyên, thiện căn khó nẩy mầm. Tất cả đều tùy thuộc ở lòng thành và quyết tâm, tránh vọng tưởng tà niệm. Khi quy y Tam Bảo, quý vị phải thành tâm, bằng không sẽ không được cảm ứng.

Sau khi thực sự quy y Tam Bảo cho đến ngày thành Phật, nếu quý vị có niềm tin vững chãi và đạo đức thanh lương thì sẽ không gặp trở ngại gì. Bằng không thì hãy quên việc thành Phật đi, mà cũng không dễ trở thành một con người được. Nếu không tu hành thì chẳng những cư sĩ mà người xuất gia cũng vẫn sẽ phải đọa vào địa ngục.

Vì vậy quý vị cư sĩ hãy chuyên tâm gắng sức tu học Phật-pháp. Hãy cung kính Tam Bảo, cúng dường Tam Bảo, tin tưởng và suốt đời phụng sự Tam Bảo, thì sẽ được sự cảm ứng. Bằng không thì cũng như là chưa hề quy y và cũng chẳng có sự cảm ứng gì cả.

Buổi sáng khi thức dậy, trước chư Phật hãy phát bốn nguyện lớn như chư Bồ Tát đã làm. Sớm tối hãy tự hỏi mình: "Chúng sinh vô biên, có nguyện độ không? Phiền não vô tận có nguyện đoạn không? Phải nguyện độ chúng sinh, nguyện đoạn hết phiền não. Pháp môn vô lượng, có nguyện học không? Dù có bận việc thì cũng phải dành thì giờ để tụng kinh, và tu tập vô lượng pháp môn. Phật đạo vô thượng, có nguyện thành không? Mình chưa thành Phật, vẫn còn là kẻ phàm phu. Vậy mình phải cấp tốc tu hành để đạt thành Phật quả."

Mỗi ngày thức dậy các bạn hãy phát bốn nguyện lớn và tối đến hãy tự kiểm điểm xem mình đã có thực hành lời nguyện hay không?

***

          Quy Y Tam Bảo:    Quay Ðầu Lại Ðến Ðược Bờ

"Biển khổ mênh mông, nếu quay đầu trở lại sẽ đến được bến bờ."

Quy y là bước chân đầu tiên và phải dũng mãnh bước tới, không được lùi bước thối lui. Ðó là con đường tiến đến Phật quả.

Nếu quý vị xoay lưng thối lui thì sẽ sa vào ba ác đạo và lạc vào tám khổ nạn. Cho nên có câu rằng:

Sư phụ dắt đến cửa

Chính mình phải chuyên tu

Có ăn thì mới no

Tự mình đoạn sanh tử.

Ðừng nghĩ rằng: "Tôi đã quy y nên tôi có thể nương nhờ Phật Pháp Tăng." Dầu cho Phật Pháp Tăng có đủ thần thông kỳ diệu cũng không giúp mình đạt thành Phật quả được, cũng không thể giúp mình để thông suốt Phật-pháp và thực hành đạo nghiệp tu trì. Nhờ có Tăng-già mà Phật-pháp mới được hoằng dương tại thế gian.

Mặc dù quý vị đã quy y Tam Bảo thì vẫn phải gắng công để thăng tiến. Nếu giữ được không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa là quý vị đã thực sự thọ năm giới. Nếu vẫn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa thì chưa thực sự thọ năm giới.

Nếu đã thọ rồi mà không giữ năm giới, nghiệp tội lại càng nặng hơn bởi vì như thế quý vị đã cố ý phạm giới, và sẽ bị đọa lạc.

Không thể nói rằng: "Tôi đã quy y Tam Bảo và thọ năm giới, thì tôi được hộ trì. Tôi có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối hay say sưa cũng không sao."

Có người nghĩ rằng: "Nếu người tại gia không giữ năm giới mà phải lãnh nghiệp nặng như vậy, còn người xuất gia không giữ giới thì sao? Họ có bị lãnh nghiệp nặng hơn không?" Quý vị hãy nhớ điều này:

"Bồ Tát không biết đến người khác

Phật A Di Ðà tự quán chiếu."

Ngày đêm phải tự xem xét mình, kiểm soát hành vi và hồi quang phản chiếu. "Mình có giữ giới không, có phạm giới nào không? Từ khi quy y đến nay, mình có là một Phật tử thuần thành không, hay là mình đã hướng về đạo Chúa, đạo Hồi hay đạo nào khác? Mình có học tập ngoại đạo tà pháp không?"

Sau khi đã quy y phải có thái độ dứt khoát. "Dầu cho có ai dọa giết nếu mình tin Phật, hay cho mình sống nếu mình bỏ Phật, thì mình vẫn không tin theo ngoại đạo."

Ngoại đạo gồm tất cả thiên ma ở các cõi trời, có đủ thần thông, thiên biến vạn hóa, kỳ bí khôn lường. Chúng ma luôn luôn khai triển thần thông. Trái lại đệ tử của Phật không thể hiện thần thông. Nếu có thì họ cũng không nói cho ai biết. Kẻ nào khoe mình có thần thông, thiên nhĩ thiên nhãn v.v... đều là thuộc loại tà ma được nói đến trong chương "Cảnh giới 50 ấm ma" của Kinh Lăng Nghiêm, hoặc giả họ là đồ đệ của thiên ma, hay là đồ đệ của ngoại đạo.

Bởi vậy Phật tử chúng ta phải có Trạch-pháp-nhãn. Trong khi tìm thầy học đạo, đừng khởi tham tâm, đừng ham cảm ứng, hôm nay nghe nói hiển tông tốt thì theo hiển tông, ngày mai nghe khen mật tông hay thì lại theo mật tông. Như thế dù quý vị tu cho hết chọn đời, mà không giữ tâm chuyên nhất một lòng một dạ thì rốt cuộc chỉ uổng phí thời gian mà thôi.

Quy y rồi quý vị hãy tránh vi phạm giới luật. Hãy nghiêm chỉnh tinh tấn chấp hành Tam-quy Ngũ-giới. Ngũ-giới là căn bản để đạt thành Phật quả. Cư sĩ có năm giới, Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 348 giới, quý vị không được vi phạm một giới nào, vì mục đích của giới luật là để tự kềm chế mình. Quý vị hãy gắng công hành trì giới luật. Nếu không thì quý vị vẫn còn là kẻ phàm phu.

Phật Pháp Tăng rất công bằng, ai có tu thì có đắc, không tu thì không đắc. Quý vị hãy noi gương những vị tướng quân không bao giờ xuống ngựa, luôn luôn thẳng tiến không lùi.

Công đức xuất gia tu đạo và hành trì giới luật sẽ hỗ trợ quý vị vãng sanh Cực-Lạc. Nhưng xin đừng quên chúng sanh, hãy trở về cứu độ họ. Bởi vậy cho nên quý vị hãy quyết tâm chứng quả Bồ đề để cứu độ tất cả chúng sanh.

Có kẻ nói họ muốn cứu độ chúng sanh ngay trong kiếp này. Làm thế nào cứu độ chúng sanh được, trong khi họ chưa độ được chính họ? Cũng như Bồ Tát bằng đất sét, qua biển tan chìm, còn cứu được ai? Nếu quý vị muốn cứu chúng sanh trong khi chưa cứu được chính mình thì cũng như bỏ gốc theo ngọn, quên cái ở gần bên mình mà tìm kiếm chuyện xa xôi. Mình giúp cày ruộng của người khác mà không lo ruộng của mình, đó là làm một việc sai lầm lớn.

Vì vậy mọi người phải gắng công tu tập, đừng có tính ỷ lại, nghĩ rằng: "Sư phụ tôi là bậc đại trí huệ." Dầu cho đã đắc rồi Sư phụ của quý vị cũng không thể chia xẻ trí huệ cho quý vị. Quý vị vẫn phải tự mình tu tập, nếu không thì Phật có đứng trước mặt cũng không chắc sẽ có thể giúp ích cho quý vị được.

***

            Quy Y Tam Bảo Phải Giữ Giới

Hôm nay quý vị đã thọ Tam-quy và Ngũ-giới.

Khởi thủy thuở xưa, Phật tử quy y Tam Bảo mà không quy y giới. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, chúng sanh phải lấy giới làm thầy. Do đó, trong lễ quy y gồm có quy y giới. Giới là gì? Là tránh điều ác, làm việc thiện, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, điều ác nhỏ mà cứ làm.

Nhiều Phật tử đã lỗi lầm khi còn theo Phật thì khen đạo của mình, đến khi bỏ đạo lại chê bai. Có kẻ chuyên môn đi đến nơi này nơi nọ, hôm nay tin đạo giáo này, ngày mai tin đạo giáo khác, ngày sau đó theo đạo giáo khác nữa. Tin vào những giáo phái đó có ngày họ sẽ bị đọa địa ngục mà không hay! Bởi vì họ không có một tôn chỉ nhất quán, chỉ mưu tìm lợi lộc, thích chuyện mới lạ, học tập mật tông, hoặc gia nhập các giáo phái lén lút không sinh hoạt công khai. Cuối cùng trở thành ma đói bị đọa địa ngục hoặc súc sanh để gánh chịu quả báo. Thật đáng thương xót!

Trong buổi lễ quy y hôm nay, trước hết chúng ta quy y Phật, thì thà xả bỏ sanh mạng chớ không quy y với tà giáo hay thiên ma ngoại đạo, ví dụ như là với Tự tại thiên ma. Hai chữ Tự tại để chỉ sự khoái lạc tại thiên đàng, hoặc có thể tại địa đàng nào đó mà quý vị chỉ nghe nói chứ chưa hề thấy, nên tò mò muốn đi tới mà không biết đi về hướng nào. Rồi cứ quanh quẩn trong sáu nẽo luân hồi, vào bụng ngựa ra bụng lừa, gặp mãi vua Diêm-la, không thoát khỏi địa ngục mà vẫn cứ làm loài súc sanh. Bởi vậy thà chết chớ không quy y với Tự tại thiên ma. Ðệ tử của thiên ma ngoại đạo luôn luôn khoác lác và tự thần thánh hóa mà nói rằng: "Nếu các ngươi tin lời ta thì sẽ lập tức khai ngộ. Các ngươi có thể thành Phật trong kiếp này. Các ngươi không cần phải giữ giới, ăn chay hoặc xa lánh người khác phái."

Họ thuyết đủ thứ pháp làm cho quý vị hoang mang lầm tưởng là vi diệu, rồi lạc vào đường tà khó mà thối lui được.

Vì vậy đừng tham tiện nghi, đừng tham khoái lạc, đừng tham hưởng thụ. Ðã quy y Tam Bảo thì phải có cuộc sống hợp với thiên lý, không lợi dụng lường gạt hay tâng bốc kẻ khác. Không quy y với Tự tại thiên ma, mà chỉ cung kính quy y Phật, bậc Như Lai Thế Tôn toàn giác và đại trí huệ mà thôi.

Ðã quy y Pháp thì thà xả bỏ thân mạng chớ không quy y với tà thư ngoại đạo, hoặc theo những lý thuyết, thư tịch, tài liệu do đệ tử ngoại đạo ấn tống và phát hành. Không quy y với tà thư nghĩa là không đọc, không nghiên cứu học tập những loại đó sau khi đã quy y Phật Pháp chính thống.

Mọi người hãy ý thức điều này: Sau khi đã quy y Tam Bảo, mà quý vị vẫn si mê, thấy phân bò cũng cúi đầu, gặp phân cẩu (chó) cũng chắp tay thì thật đáng thương xót vậy!

Nhất định không nên đọc bất cứ ấn phẩm nào của ngoại đạo lưu hành.

Quy y Tăng là quy y với chư vị Thánh Tăng mười phương, chứ không phải với các đệ tử của những giáo phái lạc đường. Theo họ thì quý vị sẽ cùng họ rớt xuống địa ngục, cho nên đừng quy y với họ. Vậy thì phải quy y Tăng nào? Hãy quy y với thanh tịnh phước điền Tăng, cũng ví như mình gieo mạ cấy lúa ở ruộng phước vậy. Tại sao phải quy y Tăng? Bởi vì chánh pháp được Tăng già hoằng dương. Nếu quy y Tăng, quý vị sẽ có cơ hội am tường Phật-pháp, và khi đã thông suốt Phật-pháp quý vị có thể thành Phật. Cho nên quý vị phải quy y với Tăng già chứ không phải với tà ma ngoại đạo hoang truyền tà tri tà kiến. Ðừng nghe lời họ khoác lác rằng con mắt họ phát quang, lổ mũi họ nói được, tai họ ăn uống được. Chính loài ma quỷ cũng không làm được như thế huống gì là họ. Họ ba hoa nói dốc để lừa gạt thiên hạ.

Ðã quy y Tam Bảo rồi, quý vị phải có chánh tri chánh kiến, hãy dứt bỏ tà tri tà kiến đi!

Tại sao lại ví Tăng già thanh tịnh với ruộng phước? Thanh tịnh có nghĩa là không cấu nhiễm. Người không cấu nhiễm sẽ khuyên quý vị không tranh, không tham, không cầu, không tự lợi, không ích kỷ và không nói dối. Người nào giữ được giới không tham tiền, chính là một vị Tăng thanh tịnh, là một ruộng phước báu. Nếu một người nào đó tỏ ra rất vui sướng khi nhận được một ít tiền thì không phải mà một phước điền tăng. Ðược cúng dường hay không được cúng dường cũng không động tâm, không nịnh hót người giàu, cũng không khinh dễ người nghèo, như vậy mới là thanh tịnh phước điền Tăng. Quý vị phải biết phân biệt hai hạng người đó. Bằng không thì quý vị luôn luôn vẫn còn hồ đồ không tinh tế.

Tiếp theo là quy y Giới, nghĩa là không làm điều ác mà chỉ làm việc thiện, dầu cho một mảy may ý tưởng ác cũng không có trong tâm.

Có người sẽ nói: "Nhưng ý nghĩ xấu cứ thường thường khởi lên, như vậy phải làm sao?"

Khởi ác niệm ư? Hãy từ từ làm cho ác niệm nguôi dần đi, đừng để cho nó lôi kéo mình theo nó. Ví dụ như: "A! Mình muốn giết người đó." Tiếp theo lại nghĩ: "O.K. Mình hãy đi giết nó ngay lập tức." Ðó là mình bị ác niệm giết người lôi cuốn. Nhưng nếu người đó lại nghĩ: "A! Anh ta có một hột kim cương rất quý rất hiếm, mình phải tìm cách ăn cắp mới được." Ðó tuy là một niệm ác nhưng anh ta không bị lôi cuốn theo, và ác niệm giết người cũng biến mất.

Thông thường mà nói nếu quý vị không khởi ý tưởng xấu như mơ tưởng chuyện nam nữ, đó là chánh niệm. Trái lại là tà niệm. Bởi vậy hãy tinh tấn tu tập giới định huệ, dập tắt tham sân si. Lại có câu rằng: "Ðừng làm một việc ác dù nhỏ, cũng đừng bỏ qua một việc thiện dù nhỏ." Thực hành đạo lý đó chính là quy y giới.

Quy y giới, với thời gian dần dần chúng ta sẽ tích tụ được công đức, khai mở đại trí huệ, viên mãn phúc căn, cuối cùng chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đạt quả a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Ðắc quả Bồ-đề rồi, hãy quay con thuyền từ bi trở về phổ độ chúng sanh. Ðó là điều căn bản mà tất cả Phật tử đã quy y Tam Bảo cần phải tâm niệm. Chúng ta không được tạo nghiệp tội, lợi dụng Phật-giáo để mưu đồ lợi lộc cho mình. Nếu làm như vậy thật là sai lầm rất lớn. Quý vị có hiểu tôi nói gì không? (Cử toạ đồng thanh trả lời: Dạ hiểu)

Chúng ta phải thực hành bốn nguyện lớn:

1. "Chúng sanh vô biên thề nguyện độ." Hãy tự hỏi mình đã độ được chúng sanh nào chưa? Nếu chưa thì mình có tự độ không? Tự độ là gì? Mình có xứng đáng là một Phật tử thuần thành đã quy y Phật không? Hay là mình chỉ đến với Phật giáo để mưu cơm áo? Mình có lợi dụng tôn giáo để lừa dối người đời lấy tiền không? Nếu đã làm như vậy thì chẳng những không độ được chúng sanh mà còn bị đọa địa ngục nữa. Ðó là điều mình phải ý thức trước tiên. Mình phải làm gương tốt cho người đời khởi tâm Bồ-đề, chỉ độ cho một người cũng không sao. Dần dà sẽ có hai người, ba người, bốn người, trước ít sau nhiều với thời gian. Cứu độ chúng sanh là như vậy.

2. "Phiền não vô tận thề nguyện đoạn." Hãy tự hỏi mình đã đoạn trừ phiền não chưa, dứt bỏ tính nóng giận, và các thứ tính khác chưa? Mình là người hay là súc sanh? Mình có muốn chấm dứt phiền não không? Trước tiên hãy cắt đứt phiền não, tận diệt nóng giận si mê. Như vậy mới là chân chánh Phật tử.

3. "Pháp môn vô lượng thề nguyện học." Hãy tự hỏi mình có học pháp môn nào không, hay suốt ngày chỉ đọc dâm thư? Hay đọc tiểu thuyết lãng mạn? Hay chỉ tư tưởng những chuyện bất chính, và mất thời giờ với những chuyện không bổ ích? Mình có học tập kinh điển không? Hãy trả lời các câu hỏi đó. Và chúng ta phải tu tập các pháp môn. Vì sao vậy? Vì chúng ta thề nguyện đạt thành Phật đạo Vô thượng Bồ đề.

4. "Phật đạo vô thượng, thề nguyện thành." Hãy tự hỏi mình đã đạt thành đạo quả Bồ đề chưa? Muốn vậy, mình phải dũng mãnh khởi Bồ đề tâm, luôn luôn tinh tấn không bao giờ thối chuyển. Có như thế thì sức mạnh của bốn nguyện lớn sẽ hỗ trợ chúng ta tu hành để đắc quả Bồ đề Chánh đẳng chánh giác. Nếu quý vị không thực hành các điều trên đây thì dầu cho đã quy y Tam Bảo, quý vị cũng chẳng hiểu ý nghĩa chân chính của Tam Bảo là gì.

***

     Quy Y Tam Bảo: Không Phải Ðể Hùa Theo Ðám Ðông

Những ai đã quy y trước đây rồi thì đừng quy y nữa. Vì sao vậy?

1. Ðể tránh tình trạng tranh giành đệ tử và chống báng lẫn nhau trong nội bộ Phật giáo đồ. Vì họ tranh đua quyền lợi nên sinh ra hiềm khích lẫn nhau như nước xung khắc với lửa vậy.

2. Bởi vì nếu những ai đến quy y hôm nay mà đã có quy y trước đây rồi thì Phật giáo không có thêm được đệ tử mới. Phật tử nhảy từ chùa này qua chùa khác không phải là đệ tử chân chính của Phật.

3. Tôi thật chưa đủ công đức để có thể thâu nhận những ai mới quy y Tam Bảo lần đầu tiên làm đệ tử, huống chi là những người đã quy y trước đây rồi. Tuy nhiên, người nào đã được vị bổn sư của họ cho phép, hoặc bổn sư đã viên tịch, hoặc bị biệt tích, hoặc đã hoàn tục thì tôi sẽ thâu nhận.

Quý vị phải là những Phật tử chân chính, không được si mê hồ đồ. Nếu quý vị không tin tưởng bổn sư của quý vị thì việc quy y đâu có nghĩa gì? Hãy dùng Trạch-pháp-nhãn, chứ đừng mù quáng hùa theo người khác. Người Phật tử không nên mưu lợi riêng, mà phải chịu phần thiệt thòi. Thế giới ngày càng tệ hại xấu xa do bởi người đời chỉ biết tự tư tự lợi, giết hại lẫn nhau vì tham lợi lộc.

Riêng tôi chỉ biết nhận chịu phần thiệt thòi, cho nên tôi không bao giờ nhận cúng dường cho cá nhân tôi. Tuy nhiên nếu ai muốn cúng dường đạo tràng cho cộng đồng thì tôi hoan nghênh. Tôi muốn hỗ trợ cho cộng đồng, chứ không mưu cầu riêng tư cho tôi. Tôi đã nguyện:

Dù Lạnh chết, không phan duyên

Dù đói chết, không van nài

Dù nghèo chết, không cầu cạnh

Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.

Ba Ðại Tông Chỉ ta luôn giữ gìn.

Trên đây là phần đầu của bài kệ.

Khi chúng tôi tạo mãi cơ sở Vạn Phật Thánh Thành, ai ai nhìn thấy địa thế rộng lớn của khu tùng lâm ấy cũng đều rút lui vì sợ tôi sẽ yêu cầu họ cúng dường. Nhưng tôi không kêu gọi ai giúp đỡ cả, tự tôi làm lấy, và tôi cũng không ước mong sự đền bù nào cả.

Sau đây là phần tiếp theo của bài kệ:

Xả thân vì Phật sự

Tạo mạng là bổn sự

Chánh mạng làm Tăng sự

Tức sự minh lý, minh lý tức sự.

Gắng hành mạch Pháp Tổ sư đã truyền.

Vì Phật-giáo, chúng ta phải đem tất cả tâm huyết để phụng sự, có thể hy sinh cả sanh mạng mà không bao giờ ngừng nghỉ, đúng theo triết lý "tạo mạng" sau đây:

Mạng do ta dựng, phúc do ta cầu

Họa phúc chiêu cảm, tự ta tác động.

"Chánh mạng vì Tăng sự" nghĩa là các vị tu sĩ phải nghiêm trì giới luật của Phật. Ví dụ như Tăng già phải đặc biệt đắp giới y. Nếu không đắp giới y thì là đã thực sự hoàn tục. Phật cũng đặt để chỉ ăn một bữa mỗi ngày trước giờ ngọ. Hạn chế việc ăn uống như vậy để xua đuổi ma quỷ và chế ngự ham muốn (bản thân chúng ta có ba thân ma. Nếu ăn quá nhiều thân ma sẽ nổi loạn).

Ít ham muốn thì sẽ dễ tu đạo. Cho nên không nên dùng các thức ăn quá bổ dưỡng. Ðó là quy củ của Vạn Phật Thánh Thành.

Dù rằng không có ai là hoàn hảo cả, nhưng tôi hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ gắng công sửa mình để tiến tu trên con đường đạo.

*** 

                              Cấp Tốc Lên Ðường Phật Ðạo

Hôm nay là ngày mà căn lành và hạt giống Bồ-đề của quý vị được nở nhạ nẩy mầm.Quy y Tam Bảo cũng như sinh ra đời với đôi mắt mở, chứ đừng có đi lạc đường. Ra đời với đôi mắt mở có ý nghĩa gì? Có nghĩa là quý vị bắt đầu cuộc sống mới với đôi mắt mở để đi cho đúng đường. Quý vị phải ý thức rõ ràng hai điều này. Tại sao tôi quy y? Tại sao tôi muốn quy y Tam Bảo? Ðây là chuyện quan trọng. Ðừng có quy y chỉ vì những người khác cũng quy y, hay là bắt chước thiên hạ lạy Phật thì mình cũng lạy Phật!

Quy y Tam Bảo là gì? Tôi không biết!

Ðảnh lễ Phật là sao? Tôi không biết!

Quý vị đến quy y mà không biết vì sao! Như vậy có phải là nhắm mắt mà tu, nhắm mắt làm theo kẻ khác không? Quý vị hãy mở mắt ra, nhận diện rõ ràng con đường trước mặt, rồi dũng mãnh bước lên, không thối chuyển.

Thời nay là thời mạt pháp. Mạt pháp là gì? Nghĩa là Phật-pháp đang trên con đường suy tàn. Chúng ta đang sống vào mùa thu của Phật-pháp. Mặt trời đang xế bóng, mà con đường trước mặt thì hãy còn mờ mịt. Hy vọng rất nhỏ nhoi. Tuy nhiên, cũng chính là lúc này chúng ta cần phải dũng mãnh tinh tấn lên đường để đi tới đích. Ðó là đại ý của việc quy y Tam Bảo.

Hôm nay có những người thiện căn thâm sâu đến quy y Tam Bảo, có hóa thân Bồ Tát đến quy y, hóa thân trời rồng bát bộ đến quy y, có loài người đến quy y, lại còn có cả quỷ thần đến quy y nữa. Có thể nói đây là lễ quy y đầu tiên được tổ chức đại quy mô tại Pháp Giới Thánh Thành (*). Các thần hộ pháp, trời rồng bát bộ đầy khắp hư không đến đạo tràng này để hộ pháp. Những lời phát nguyện cầu xin của quý vị cho tương lai sẽ được các Ngài thiện thần Hộ-pháp chứng tri.

Riêng tôi có một lời nguyện khiêm tốn: Ai đã quy y với tôi hay chưa quy y, ai đã tin Phật hay còn tin ở các đạo giáo khác, tất cả nếu chưa thành Phật thì tôi sẽ chờ cho đến khi nào họ thành Phật thì tôi mới thành Phật.Quý vị hãy dũng mãnh tiến tới, đừng giãi đãi lười biếng, hãy chuyển hóa tập quán xấu thành tốt, tránh điều ác làm điều lành, ngày ngày tự mình đổi mới. Hãy dũng mãnh tinh tấn hướng tới Bồ-đề. Ðừng để tôi phải chờ đợi quá lâu! Có thể tôi sẽ không còn sức để chờ đợi được nữa.

Mỗi người hãy bắt chước như một vị tướng quân ra trận không bao giờ xuống ngựa, quyết tâm tiến tới mà thôi!

(*) Pháp Giới Thánh Thành toạ lạc tại Sacramento, là đạo tràng chi nhánh của Vạn Phật Thánh Thành.

Tác giả bài viết: Thiện Đạo sưu tầm