Đến Most suy ngẫm về mùa Vu Lan

Nhiều năm trở lại đây, mùa lễ Vu Lan đã trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, cả ở trong nước và hải ngoại. Mùa Vu lan, Phật lịch 2556 này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc, từ nhiều ngày trước đã thấy thư mời dự đại lễ Vu Lan.
Đến Most suy ngẫm về mùa Vu Lan

Chọn đến Most vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu bởi vì lễ hội ở đó, tại Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm, không thấy có trong danh sách những lễ hội Vu Lan mà các hội Phật tử tổ chức tại châu Âu giới thiệu. Thứ nữa, thấy trong giấy mời là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và có lẽ lựa chọn ấy đã không lầm. Bởi ngoài không khí trang nghiêm, thành kính dĩ nhiên trong ngày hội văn hóa của tình người, ở nơi Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm thành phố Most, miền Bắc Cộng hòa Séc, còn để cho người viết bài này ý thức thêm được nhiều điều khác…

Với nguyên tắc sống “Không xâm phạm đức tin của người khác!” nên lĩnh vực tín ngưỡng bao giờ cũng được người viết bài này đặt làm tôn chỉ hàng đầu. Song lần về thăm quê hương vào năm 2008, đặt chân đến chùa Bái Đính ở Ninh Bình, khi mà hầu như vẫn còn là khu công trường ngổn ngang vật liệu xây dựng, bên cạnh những pho tượng đá chưa được nhập thần, quần áo công nhân còn đang treo tơi tả, mà đã có “hòm công đức” kịp thời đặt ở đấy. Cảm thấy là lạ thế nào vì tính thiêng liêng chạy đi đâu mất…

Không hoành tráng, không lộng lẫy cờ hoa, không có bóng những đại gia “máu mặt” lượn lờ tự tin như đang đi lại trong phòng khách nhà mình, Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm tại thành phố Most cho người ta cảm giác như một buổi lễ gia tiên. Và cảm giác ấy là có thực. Vì qua phật tử Quang Minh với Phật danh: Đức Chính được biết, rằng Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm đã xây dựng nên chính bằng đức hồng tâm của bà con Việt Nam tại thành phố Most và vùng phụ cận, trợ duyên giúp đỡ cho Vĩnh Nghiêm và cho cả cuộc sống văn hóa tâm linh của chính mình.

Bữa cơm chay đạm bạc mà các Phật tử, bà con thành phố Most bảo ban lẫn nhau tự tay lo liệu, chắc phải làm cho những người khách kính yêu đạo Phật đến từ Teplice, Chomutov, Ústí nad Labem và nhiều nơi khác ấm lòng, chính cũng bởi không khí “như người nhà” ấy.

Mới chỉ qua gần hai năm từ khi ra đời, Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm đã tiếp tục khẳng định chân lý tự ngàn đời của tổ tiên người Việt, về sức mạnh của lòng nhân từ nhà Phật. Có mặt từ rất sớm, mặc dù biết rằng đại lễ Vu Lan Báo Hiếu sẽ được khai mạc vào buổi tối, mới thấy rõ được khi người ta với thiện tâm cùng nhau làm điều gì đó, sự thanh thản kèm theo là lẽ đương nhiên. Bởi đã được chứng kiến khâu chuẩn bị của lễ hội tương tự tại một địa phương gần Most, thấy phong cách “chỉ đạo” của vài người có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức ngõ hầu gây không khí long trọng trang nghiêm cho quan khách các cấp chứng kiến, cứ thấy kịch bản cứng nhắc khiên cưỡng thế nào…

Từ Việt Nam cho tới tận trời Âu, bây giờ bao chùa chiền mọc lên với những khoản đầu tư khổng lồ để cho trở thành hoành tráng đường bệ xứng với tên tuổi đại gia nào đó. Nhưng có mấy ai chịu biết, rằng thiền môn ở nơi đâu cũng vậy và luôn sẵn sàng mở rộng cửa từ bi độ lượng cho tất cả. Làm gì có chuyện Phật ở ngôi chùa quạnh quẽ không thiêng, không cao cả bằng Phật ngự tại chùa to do đại gia nào đó trúng lớn lại quả xây cho. Bước chân vào chốn thiền môn, là muốn để cho lòng thanh thản, để hướng thiện,  mà điều ấy thì  “trời Phật có mắt” nhìn thấu tấm lòng thành bất kể nó được thể hiện ở nơi đâu.

Và trên thực tế, Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm ở Most đã làm được điều đó. Bởi nhìn thấy tất cả bà con yêu kính đạo Phật sinh sống tại Most và vùng lân cận có mặt tại Vĩnh Nghiêm ngày 14.09.2012, phong cách đối xử với nhau thân ái hơn những khách thập phương đi vãn cảnh chùa ở nhiều nơi khác từng được chứng kiến. Chắc hẳn gần hai năm tồn tại, Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm đã đưa được bà con lại gần gũi nhau hơn.

Được biết kể từ khi ra đời, khai duyên, với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken, C.H.L.B. Đức, tại Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm Most thường xuyên tổ chức các ngày lễ quan trọng của Phật giáo, như lễ Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan và cả những thủ tục tang gia hiếu lễ cho bà con Phật tử địa phương, chăm sóc đời sống tinh thần cho họ. Nên dù tạm thời vẫn mới chỉ là một Niệm Phật Đường đơn sơ, dựng lên được nhờ vào hồng tâm của các gia đình Phật tử, ban Hộ trì Tam Bảo vẫn ngày ngày tận tụy đèn nhang sáng tối. Đã thành lệ để các Phật tử ngày nào cũng có người tới tụng kinh, niệm Phật, điều kiện mà không phải Phật tử nơi đâu cũng có thể có được. Và rất muốn tin rằng, với nỗ lực của những tấm lòng hảo tâm, cánh cửa Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm sẽ còn mở mãi cho bà con Phật tử gần xa có chốn đi về. Cả tôi cũng vậy…

Tác giả bài viết: Bài: Adam N. Ảnh: TTVHPGVN Franken

Nguồn tin: Báo Xa Xứ ( số 277- Phát hành tại C. H. Séc)