Nét quê với chùa Việt tại Franken (Nürnberg, CHLB Đức)

(NguoiViet.de) Nữ ký giả Nguyễn Trần Nhật Linh, từ Helsinky (Finnland) gửi tới Ban biên tập Báo NguoiViet.de bài phỏng vấn thực hiện tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken – Chùa Vĩnh Nghiêm (TP Nürnberg – CHLB Đức). Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa PV với ông Lê Duy Nhân (Pháp danh Minh Trí), Chủ tịch Ban điều hành TTVHPGVN Franken và ông Trần Thanh Phong (Pháp danh Chánh Tâm), Phó Chủ tịch TT.
Từ trái sang: PV Nhật Linh đang phỏng vấn ông Lê Duy Nhân (Minh Trí) và ông Trần Thanh Phong (Chánh Tâm)

PV.:Trong chuyến đi thực tế ở Tiểu bang Bavaria (Bayern), được phía bạn giới thiệu, cái tên Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken lập tức gây cho tôi nhiều ấn tượng. Thưa ông Chủ tịch, xin ông cho biết nhân duyên nào dẫn đến sự hình thành và phát triển Đạo tràng Vĩnh Nghiêm – Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken?

Minh Trí: Mùa Hè năm 2008, Thành phố Nürnberg cung thỉnh đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzyn Gyatso về giảng pháp. Đích thân Thị trưởng thành phố, ông Tiến sĩ Maly dẫn dắt chương trình. Hai bên thống nhất quan điểm hội nhập toàn diện trong một gia đình nhân loại, cả về tín ngưỡng: Một Thiên chúa giáo đại thừa, một Phật giáo đại thừa, nhập thế. Thành phố ủng hộ chuyện có một ngôi chùa Phật giáo tại Nürnberg.

Do tâm nguyện muốn có một cơ sở để bá tánh chung tay tạo dựng thành một ngôi chùa thuần Việt, không lai tạp, các Phật tử mà nòng cốt là chị Thiện Vũ (Nguyễn Thị Kim Oanh), anh Thiện Vũ (Nguyễn Cao Tường), anh Thiện Đạo (Nguyễn Chí Cường)… lập một Đạo tràng có tên Giác Tâm. Hội nghị thành lập Đạo tràng diễn ra ngày 02.02.2009. Có 23 thành viên tham gia. Tòa án hành chính Nürnberg, phân tòa danh bạ cấp chứng nhận e.V (hiệp hội đã ghi danh bạ) ngày 26.03.2009.

Thành phố Nürnberg cho mượn dài hạn tầng 5 khu nhà số 9 phố Gärtner của chương trình XM Dr. Loew làm nơi tu tập. Cha xứ đạo Tin Lành cho phép tổ chức các đại lễ Phật giáo trong năm tại nhà thờ Tin Lành (TP Fürth). Ngành cảnh sát hai thành phố Nürnberg và Fürth bảo đảm an ninh cho các lễ hội.

Mùa Hè năm 2009, trong dịp dự đại lễ Phật giáo tại CH Séc, Phật tử Niệm Phật Đường Giác Tâm gặp chư Tôn Đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giác ngộ rằng: Dù có theo dòng nào cũng là đến giác ngộ và giải thoát, nhưng không thể bơi mãi giữa dòng”. Và Đạo tràng Giác Tâm thuở sơ khai đã trở thành đạo tràng Vĩnh Nghiêm ngày nay.

PV.: Tôi đến Nürnberg đúng ngày Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken làm lễ tiếp nhận chiếc chìa khóa vàng, biểu tượng cho quyền làm chủ tòa nhà mà Trung tâm mua lại. Lần trở lại này, sau 5 tháng, nhìn tốc độ sửa chữa và khối lượng công việc đã làm, tôi không khỏi bất ngờ. Xin các ông cho biết, có bao nhiêu công ty xây dựng đã tham gia vào việc này?

Chánh Tâm: Chưa có một công ty xây dựng nào tới đây cả. Tất cả nhờ vào lòng nhiệt huyết của huynh đệ trong Trung tâm. Song song với công việc tìm kiếm một địa điểm phù hợp cho việc tu bổ xây chùa, các ban với những chức năng cụ thể đã được thành lập. Ví dụ Ban kiến thiết xây dựng do Phật tử Chánh Quang (Lâm Quang Ngọc) làm trưởng ban. Ban này lập một đề án khi mua được một tòa nhà cũ cần làm những gì, việc cải tạo thành ngôi chùa mang bản sắc văn hóa Việt nhưng phải phù hợp với quy hoạch của địa phương…Trang trí nội thất được những Phật tử có trình độ chuyên môn thích hợp đảm trách. Nói ngắn gọn thế này. Bạn tham quan một dây chuyền sản xuất Auto. Cứ 3 phút có một xe hoàn chỉnh rời băng chuyền. Sao nhanh vậy? Nhưng có bao nhiêu công ty con đã chuẩn bị trước những tấm kính cửa, những chiếc lốp đã bơm căng hơi…Công việc mà bạn nhìn thấy tại đây cũng vậy thôi.

PV.: Thưa ông Chủ tịch, qua phương tiện thông tin đại chúng, được biết ngày 09.09.2012, Trung tâm VHPGVN Franken sẽ tổ chức Đại lễ Lạc thành chùa Vĩnh Nghiêm và Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Xin ông cho biết cảm xúc của mình?

Minh Trí: Sẽ không có cảm xúc gì đặc biệt khi chúng ta tự hỏi, hơn 2500 năm trước ai xây chùa cho Đức Phật mà Ngài vẫn đắc đạo. Vậy thì trước khi xây chùa ngoài đời, mỗi chúng ta từ lâu đã có một ngôi chùa ở trong tâm rồi. Cảm xúc của tôi về ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (TP Nürnberg) thành tựu là như câu người xưa:

Núi muốn linh không cần cao nhưng phải có Tiên,

Vực muốn thiêng không cần sâu nhưng phải có Rồng.

Nhờ chư Phật Bồ tát gia hộ. Đó là xin ân chiêm công đức các quý thầy, tâm nguyện của Phật tử và bá tánh gần xa bao năm qua đã thành nguyện lực lớn lao, tri ân Phật tử, bá tánh gần xa đã và đang cúng dường, cho vay hội thiện từ 50 euro đến 50.000 euro và đóng góp công quả. Chúng tôi chỉ có lời cảm ơn và biết ơn bá tánh thập phương, ngoài ra không có gì khác, bởi đạo chúng tôi còn chưa đủ dùng cho mình, lấy đâu đưa lại cho người.

PV.: Có lẽ ngày 09.09.2012 sẽ là một cái mốc đáng nhớ cho cộng đồng người Việt Nam yêu đạo Phật trong khu vực. Cái tên Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken – Chùa Vĩnh Nghiêm được nhắc đến ở nhiều mặt báo. Vậy việc chuẩn bị tổ chức cho một đại lễ lớn như vậy có gì khó khăn?

Chánh Tâm: Việc đầu tiên chúng tôi phải giải quyết đó là danh sách các đoàn đăng ký đến dự quá lớn. Nhất là các hội đoàn đến từ phía Đông của nước Đức, Ba Lan, CH Séc, CH Hungary..…

``Mái chùa che chở hồn dân tộc´´

Bạn bè gần xa đều hiểu hồn thiêng nước Việt đã về hội tụ dưới mái chùa Vĩnh Nghiêm tại Thành phố Nürnberg. Nhưng ở đó mái ngói còn đơn sơ và rất cần sự chung tay giúp đỡ.

Một ví dụ, Hội Văn hóa Phật giáo Việt Nam Erfurt – Thüringen đã đăng ký sẽ có 50 người tới dự. Vì đường xá xa xôi, huynh đệ chùa Thiên Phúc (Ba Lan) đi Autobus cả đêm để sáng 09.09 có mặt dự lễ. Sau khi hoàn mãn, bà con lại lên xe trở về ngay…

Từ những lễ hội Phật giáo trước, cảnh sát thành phố luôn có mặt để duy trì an ninh và trật tự giao thông. Lần này công tác phối hợp đặt ở mức cao nhất.

Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào huynh đệ trong đạo tràng cũng như bạn bè gần xa chung tay cùng tổ chức lễ hội.

PV.: Dạo một vòng ngôi chùa đang tu sửa, các Phật tử giải thích rằng đằng sau một tấm bạt lớn là tác phẩm huyền bí của riêng chùa Vĩnh Nghiêm. Các ông có thể tiết lộ điều bí mật đó?

Minh Trí: Không có gì bí mật khi ngôi chùa là của bá tánh, không có gì huyền bí khi tác phẩm do một nghệ nhân đời thường hoàn thiện. Đấy chẳng qua chỉ là một niềm tự hào Trung tâm muốn dành cho bá tánh đúng ngày lễ Lạc thành ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, ngày 09.09. Hãy đến chia sẻ niềm hạnh phúc trong ngày vui trọng đại này cùng chúng tôi!

PV.: Tôi có nghe nhiều lời đồn thoại về Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken. Thậm trí từ những người cũng làm Phật sự. Các ông đã làm gì với những tin đồn thất thiệt này?

Chánh Tâm: Khi mua tòa nhà cũ trên phố Castell, tại Nürnberg - Eilbach. Chúng tôi không phân công người đi tìm những con mọt trong xà gỗ mặc dù biết nó sẽ tiếp tục đục khoét. Ta nên thương xót chúng. Cũng là một kiếp sống, có người luôn đủ ăn, đủ mặc và sống trong hạnh phúc, còn những con mọt gỗ, nó gây hại cho người khác thì sẽ mãi luân hồi là loài gậm nhấm như vậy. Trong Phật giáo gọi là nhân quả…

Trường hợp những đối tượng như bạn nhắc đến, hãy khuyên họ học Phật là để tu thân, hoàn thiện mình để góp phần hoàn thiện thế giới vốn đã không hoàn hảo này. Thân thể không phải "của ta" - Pháp tu cũng vậy – Vì nếu nó là "của ta" thì nó sẽ phải nghe lời ta, không già, không bệnh, không chết. Chúng ta chỉ là người ở thuê, không phải là chủ căn nhà này. Họ, chúng tôi, người Đức, người Việt, giáo sư, đầu bếp… chỉ là quy ước, cuối cùng không ai tồn tại cả, tất cả đều là "vô ngã". Muốn hiểu vô ngã phải thiền, hiểu được thì công việc, đời sống gia đình sẽ dễ dàng hơn. Khi nhìn thấu được tấm màn ảo giác của tự ngã, chúng ta không còn bị dính mắc vào sự đau khổ hay hạnh phúc. Và khi không còn dính mắc vào hạnh phúc nữa, chúng ta mới thật sự hạnh phúc trong một đại gia đình nhân loại này.

PV.: Câu trả lời của ông làm nảy sinh một câu hỏi, phải chăng đạo Phật tới đâu, ở đó có hòa bình? Xin ông giải thích rõ.

Chánh Tâm: Để trả lời câu hỏi, cần có một buổi tọa đàm riêng vì nó rất sâu rộng. Với kiến thức hạn hẹp, tôi chỉ xin tóm tắt thế này:

Đạo Phật luôn chủ trương kêu gọi nhân loại hãy sống trong từ bi, vị tha và bình đẳng. Bởi thực tế, hòa bình hay chiến tranh nó không ở đâu xa mà nằm ngay trong tâm của mỗi con người. Mọi xung đột đều có động lực là sự vô minh chủ động, mà cốt lõi của sự vô minh đó là: Tham, sân, si. Tiếp xúc với văn hóa Phật giáo sẽ giúp con người nhận diện và chuyển hóa hết những vô minh phiền não, những hận thù, xung đột, tỵ hiềm cố chấp nhỏ nhen… để từ đó con người sống biết bao dung, tha thứ và thương yêu nhau hơn.

PV.: Tôi biết giáo lý nhà Phật gói gọn trong tám chữ: Từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha; các ông có thể cụ thể hóa được không? Chẳng hạn thế nào là từ bi?

Minh Trí: Hỏi thông minh đấy, đáng nhẽ phải hỏi chư Tôn Đức. Tôi lúc chưa học Phật, phần cặn đáy cốc như sáp ong không phương hại đến ai, phần trong rất trong, có ích cho nhiều người. Nay học Phật để lọc ly nước, khuấy lên, cho phèn như là Phật dược để lọc. Ly nước đục trong lẫn lộn, chưa luận đạo được. Lỡ rây nước đục vào cô thì tốn công đức tu hành của cô thôi. Cho nên xin được “bất khả thuyết”, thì “khả kể” vậy:

Thời chiến quốc, Lý An làm quan án sát, có xử một tội nhân phải chặt một chân. Mấy năm sau triều đình có biến, đang đêm ông phải trốn qua quan ải. Người gác thành cụt một chân mở cổng cho ông. Nhận ra nhau ông hỏi: “Xưa tôi chặt chân ông sao ông cứu tôi ?” Người ấy đáp: “Xưa, tội tôi tôi chịu, nhưng lúc ngài ném lệnh hành quyết tôi chợt thấy mắt ngài có ngấn nước. Ân tình đấy nay tôi mới có dịp trả”.

PV.: Thế còn hỉ xả ?

Minh Trí: Kể chuyện đời thôi. Đời Tống, Tô Đông Pha là hiền sỹ, nhà thơ lớn nổi danh nên có phần kiêu mạn. Vương An Thạch là tể tướng, cũng bậc thầy hiền sỹ. Có lần họ Tô đọc bài thơ vịnh của Vương có câu:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Bèn đắc chí lắm, cho là trăng sáng sao lại hót (khiếu) đầu non được, phải là “treo”chứ, liền đàm tiếu với bạn thơ. Còn câu “chó vàng nằm trên nhụy hoa” thì họ Tô chỉ cười khẩy với bạn thơ. Chuyện đến tai họ Vương, ông thản nhiên không nói gì, nhưng chợt biếm Tô Đông Pha đi miền Hoa Cương biên địa. Họ Tô bực lắm, cho là chuyện tiểu nhân cậy quyền. Nhưng qua thời gian sống nơi Hoa Cương, Tô chợt thấy nơi đây có loài chim Minh nguyệt đêm hay hót đầu núi, có loài sâu Hoàng khuyển hay nằm trên nhụy Hướng dương, bèn tự thấy có lỗi, tự trói, giắt roi về kinh thành gặp họ Vương xin chịu tội. Họ Vương cười, tự tay cởi trói cho, nói: “Ông không có lỗi, tôi thuở hàn vi có hai năm làm phu lục lộ ở đó nên mới biết đấy thôi”. Bèn sai gia nhân làm tiệc, xin kết bạn thơ phù. 

PV.: Còn vô ngã thì sao?

Minh Trí: Đời Nam Tống, Thẩm Sỹ Lân là hiền sỹ. Một hôm ra về sau bữa tiệc ông đang vui vẻ xỏ chân vào đôi giày mới mua thì có người đến nhận là giày của mình. Thản nhiên ông đáp “Giày của ông hả” rồi đổi giày với người đấy. Mấy hôm sau, người ấy mang giày đến trả và xin lỗi rối rít. Cũng thản nhiên ông hỏi “Thế không phải của ông hả” rồi đổi lại giày.

PV.: Cám ơn, ông cho ví dụ về vị tha đi.

Minh Trí: Thời CMVH Trung Quốc, tỉnh Vân Nam có một lão nông có năng suất ngô luôn cao hơn so với ruộng hàng xóm xung quanh. Cứ thu hoạch, hàng xóm xin giống, ông lại lục những bắp tốt nhất cho họ. Nhưng năm nào năng suất ruộng ông vẫn dẫn đầu. Tỉnh ủy lấy làm lạ cho nhà báo đến hỏi bí quyết. Ông cười khà khà: “Thuận tự nhiên cả thôi ! Phấn ngô theo gió bay lên không rơi xuống tại chỗ nên giống tốt nhất ở những ruộng xung quanh lại về ruộng lão, có bí quyết gì đâu”.

PV.: Chuyện đời là vậy, nhưng về chuyện đạo, tôi tìm hiểu bát chánh đạo thấy còn trừu tượng. Ông cho thí dụ về chánh niệm được không ?

Minh Trí: Phật học ứng dụng có chuyện sau: Một hôm Đức Phật đang ngồi giảng pháp cho tăng đoàn thì có một người đàn ông giận dữ đến nhổ vào mặt ngài. Thản nhiên ngài hỏi ông còn muốn gì nữa không. Người đó đứng sững ngạc nhiên rồi bỏ đi. Tăng đoàn nhốn nháo căm phẫn. Ngài Anan xin được đuổi theo dạy cho kẻ đó bài học về tội làm nhục tăng đoàn và thầy mình. Đức Phật không cho, ngài Anan bèn xin ra khỏi tăng đoàn, xin thôi học tại nơi Đức Phật. Đức Phật nói: “Này ông Anan, người mến ta thì không nhổ, người ghét ta thì sợ uy thái tử cũng không dám nhổ. Người đó nghe và tin ta là tà đạo nên căm phẫn mà nhổ. Người ghét tà đạo là biết yêu chánh đạo. Ta đi giảng đạo mà ghét người yêu đạo thì giảng cho ai nữa đây, và ai nghe ta giảng. Ông lại xin thôi học, đòi ra khỏi tăng đoàn, uổng phí công đức tu hành của ông, uổng phí công đức dạy dỗ của ta bấy lâu, là hai lần mất chánh niệm. Giữa người yêu đạo với người không biết quý công đức tu hành của mình và của người khác, ta nên giận ai đây ?”. Ngài Anan ngộ và trở thành một trong những đệ tử xuất sắc của Đức Phật.

PV.: Tọa đàm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa Phật giáo, câu hỏi cuối cùng của tôi không tách khỏi nền tôn giáo vĩ đại nhất thế giới này (Best Regilion in the World - BBT), xin các ông cho biết đôi chút về pháp tu Thiền?

Chánh Tâm: Tôi cũng chỉ như cô thôi, tuy trước khi quy y đã có hành thiền nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Thiền là tĩnh lự - Tịnh hóa tư duy trong mỗi hành động, tập trung tâm thức vào một đối tượng không cho tán loạn. Tâm vắng lặng thì phiền não lắng. Tâm định phát trí tuê, trừ vô minh. Nội dung thiền là chỉ và quán (Định huệ đồng tu) Thiền làm cho chánh định phát khởi, không bị ngũ trần lay động, tăng từ bi và đức tin, đoạn trừ tham sân si, làm an lạc giải thoát ngay trong hiện tại, xa lìa ái dục, tháo gỡ phiền não, làm chủ bản thân. Thế giới hiện tại, nhất là phương tây rất trọng Phật giáo thiền để điều thân tâm hài hòa, chống Stress, tạo nếp sống an lạc, đạo đức. Thiền là trở về với chính mình, đưa thân tâm về chân thiện mỹ. Là nền tảng để phát triển Tuệ giác.

PV.: Xin cảm ơn các ông!

Bài và ảnh: Nhật Linh

Nguồn: http://www.nguoiviet.de/modules.php?name=News&op=viewst&sid=23559

Tác giả bài viết: Bài và Ảnh: Nhật Linh

Nguồn tin: NguoiViet.de