VIỆT NAM: Trọng thể Khai mạc Đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sáng nay 23-11-2012, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức diễn ra tại Hội trường Cung Văn hoá Hữu nghị, Hà Nội.
Đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hơn 2.000 đại biểu, trong đó có 954 đại biểu chính thức gồm chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư vị giáo phẩm tiêu biểu, đại diện các ban, viện Trung ương, các Học viện Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố; đại diện các cộng đồng, tổ chức thuộc GHPGVN ở nước ngoài; đại biểu khách mời và hơn 1.000 Tăng Ni, Phật tử thủ đô và các tỉnh thành đã đến dự.


Chùa Quán Sứ - Trụ sở GHPGVN

7 giờ 30, chư tôn giáo phẩm quang lâm chánh điện chùa Quán Sứ, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trang nghiêm cử hành nghi lễ cầu nguyện. Sau đó, Tiểu ban Nghi lễ cung nghinh chư tôn giáo phẩm, đại biểu tuần tự bộ hành tiến về Cung Văn hoá Hữu nghị.

Chư tôn giáo phẩm niêm hương bạch Phật​ cầu nguyện

Đức Pháp chủ - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ quang lâm chứng minh Đại hội

8 giờ 15 phút, lễ khai mạc chính thức bắt đầu bằng nghi thức chào Quốc kỳ và Đạo kỳ, niệm Phật cầu gia bị, phút tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chư tôn giáo phẩm đã viên tịch qua các thời kỳ.


ĐĐ.Thích Minh Tiến, Uỷ viên Thư ký HĐTS điều hành nghi thức khai mạc


Nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ và tưởng niệm

Chứng minh tối cao Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 là Đức Pháp chủ - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ cùng chư giáo phẩm Hội đồng Chứng minh: HT.Thích Thanh Sam, HT.Danh Nhưỡng, HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Giác Nhường.

Chủ toạ đoàn hiện diện gồm nhị vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS: HT.Thích Chơn Thiện, HT.Thích Thanh Nhiễu; và chư vị Phó Chủ tịch HĐTS: HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Thiện Nhơn, HT.Thích Giác Toàn, HT.Dương Nhơn, HT.Thích Bảo Nghiêm, TT.Thích Quảng Tùng.
Ở Bàn kiểm soát có HT.Thích Thiện Tánh, HT.Thích Huệ Trí, TT.Thích Quảng Hà và Cư sĩ lão thành Tống Hồ Cầm; Bàn thư ký có: HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thanh Duệ, TT.Thích Thiện Thống, ĐĐ.Thích Minh Tiến, ĐĐ.Thích Đức Thiện và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn.


HT.Thích Thanh Nhiễu thay mặt Chủ toạ đoàn điều hành nội dung chính của phiên khai mạc

Được biết, HT.Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã có thư trình Đức Pháp chủ về việc không ra Hà Nội tham dự và đã uỷ nhiệm chư Hoà thượng Ban Tổ chức thay mặt điều hành Đại hội; HT.Thích Từ Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng phân ban Nhân sự Đại hội VII đã cũng đã có văn bản xin vắng mặt và trình bày tôn ý của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS về phương hướng nhân sự cho nhiệm kỳ mới của GHPGVN trong tinh thần “Kế thừa - Ổn định - Phát triển”. Cả nhị vị Hoà thượng cho biết lý do không tham dự Đại hội là vì tuổi cao, sức khoẻ không cho phép.


HT.Thích Chơn Thiện đọc Diễn văn khai mạc của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Theo đó, thừa uỷ nhiệm của Ban Tổ chức Đại hội, HT.Thích Chơn Thiện đã đọc diễn văn khai mạc của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
“Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, tưng bừng đại hoan hỷ của người con Phật trên khắp mọi miền đất nước, chúng ta tập trung về đây, giữa lòng thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, cội nguồn của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, một thủ đô vì hòa bình, để tiến hành Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một sự kiện trọng đại, một ngày đầy ý nghĩa, đánh dấu một bước tiến mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Diễn văn khai mạc của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS mở đầu với lời xác định về tầm quan trọng của Đại hội VII của GHPGVN.
Về thành tựu của GHPGVN trong nhiệm kỳ 2007-2012, Diễn văn của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS đã nhận định: “Căn cứ kết quả báo cáo từng nhiệm kỳ, xét tình hình thực tế và qua sự ghi nhận của Nhà nước và của Tăng Ni Phật tử cũng như nhiều tổ chức Phật giáo thân hữu ở các nước, chúng ta hân hoan thấy rằng sự phát triển của Giáo hội càng lúc càng vững chắc qua từng nhiệm kỳ, qua từng cột mốc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, nhất là những thành quả đã nêu bật trong Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các hoạt động, thành quả của Giáo hội trong nhiệm kỳ VI sẽ được Ban Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổng kết và tường trình ngay tại Đại hội. Ở đây, tôi chỉ xin nêu dẫn một số sự kiện nổi bật, đó là những hoạt động tuy mang đặc tính riêng của từng ban ngành Trung ương hay địa phương nhưng chủ yếu vẫn là sự đóng góp công sức chung của tất cả cơ cấu, thành phần Giáo hội.
Trước hết là sự phát triển cơ sở vật chất, xây dựng, trùng tu hay đại trùng tu, xây tháp, tạc tượng, đúc chuông… được thực hiện ở khá nhiều các tỉnh thành trong cả nước. Có thể kể đến chùa Bái Đính, chùa Từ Đàm, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Liên Phái, chùa Hòe Nhai, Pháp viện Minh Đăng Quang, chùa Hoằng Pháp, chùa Phổ Quang, chùa Bạch long, chùa Tháp Tường Long, v.v...; tượng đài Đức Thế Tôn ở Bình Định; Trung tâm Du lịch tâm linh Huế; các đại tự lớn ở TP.Đà Nẵng; chùa Trường Sa ở tỉnh Khánh Hòa; tượng đài Thánh Gióng, chùa Non Nước tại Hà Nội; tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử, Quảng Ninh; tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức ở thành phố Hồ Chí Minh v.v...


Chư tôn đức Chứng minh và Chủ toạ đoàn

Trong nhiệm kỳ VI, tổ chức Giáo hội được nâng cấp từ Ban Đại diện Phật giáo và phát triển thêm 8 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, đó là: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Kạn, Hòa Bình, làm cho ánh sáng Phật pháp ngày càng tỏa rộng trên đất nước thân yêu của chúng ta.
Giáo dục Phật giáo của Giáo hội ngày càng được hệ thống và hoàn thiện, sự thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ là một minh chứng. Nhất là, Chính phủ đã cho phép Giáo hội đào tạo thí điểm hệ cao học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam - TP.Hồ Chí Minh; đặt đá xây dựng cơ sở mới tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh v.v… là những tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục Phật giáo trong hiện tại và tương lai.
Các hoạt động mang tính văn hóa khoa học như các lễ hội, hội nghị, hội thảo, báo chí, thực hiện các tác phẩm Phật giáo, nghiên cứu, dịch thuật... cũng có nhiều thành tựu. Đó là việc tổ chức Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 700 năm ngày nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông và những năm tiếp theo, kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về Phật giáo như: Giáo dục, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Hướng dẫn Phật tử, Kinh tế Tài chính, Từ thiện xã hội…; Sách báo Phật giáo các loại cũng được thực hiện với số lượng tăng gấp đôi nhiệm kỳ trước: 4 tạp chí và hàng chục tập san, nội san, đặc san cùng hơn 500 đầu sách đủ loại đã được xuất bản, hàng chục trang web Phật giáo với nội dung phong phú được cập nhật hàng ngày.
Đặc biệt về đối ngoại, Giáo hội ngày càng được cộng đồng Phật giáo quốc tế biết đến, tín nhiệm, kết thân, hợp tác. Việc tổ chức và tham dự hội nghị Phật giáo quốc tế trở nên khá thường xuyên về số lượng và được nâng cao không ngừng về chất lượng. Trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã nhiều lần tổ chức các đoàn giảng pháp và viếng thăm đồng bào Phật tử ở hải ngoại, trong đó có các Hội Phật tử Việt Nam tại Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary, Ukraina, Lào v.v...
Chúng ta ghi nhận các hoạt động mạnh mẽ về từ thiện xã hội của Giáo hội qua những công cuộc như cứu trợ, xây dựng và tặng nhà tình thương, lập phòng khám trị bệnh Đông - Tây y miễn phí, phát thuốc cho đồng bào vùng sâu vùng xa, góp phần xây dựng trường lớp, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ, trường dạy nghề... ngày càng nhiều. Chỉ riêng số tiền quyên góp để cứu trợ được chính thức thống kê cũng đã đạt đến hàng nghìn tỷ đồng...”.
Diễn văn cũng đã đề cập đến những tồn tại: “Không thể kể hết những thành tựu Phật sự của các ban ngành viện Trung ương và địa phương; không coi thường nhưng cũng không xem là quá quan trọng những mặt tồn tại vốn không nhiều của nhiệm kỳ qua, Giáo hội hoan hỷ vì những nỗ lực vượt khó để đóng góp cho việc phát triển của Giáo hội. Một ví dụ cụ thể là một số bất đồng đã xảy ra tại vài tỉnh thành gây khó khăn cho việc tổ chức đại hội tỉnh thành, nhưng với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, kế thừa, ổn định và tiếp tục phát triển, cuối cùng mọi việc đều được khai thông, tổ chức thành công Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành để chúng ta có thể tiến hành Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII ngày hôm nay, trong không khí đoàn kết, hòa hợp, long trọng và thắm thiết nghĩa tình đạo vị”.
Theo đó, Hoà thượng cũng đã đề ra những việc cần làm trong Đại hội kỳ này: “Đại hội sẽ thông qua bản dự thảo một số sửa đổi hợp lý trong Hiến chương Giáo hội, sẽ thông qua danh sách nhân sự Trung ương cho nhiệm kỳ VII sắp đến. Chúng ta sẽ cùng đóng góp ý kiến về bản báo cáo tổng kết hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ qua và kế hoạch hoạt động của nhiệm kỳ tới. Các phát biểu và tham luận của quý đại biểu là rất cần thiết để tạo sự thành công của Đại hội và giúp cho các hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp. Tôi rất hoan hỷ khi được biết một trong những khẩu hiệu của Đại hội là Đoàn kết và Trí tuệ. Đoàn kết để chúng ta có đủ khả năng và sức mạnh thực hiện lý tưởng vì Đạo vì Đời. Trí tuệ để nhận biết hoàn cảnh, sự kiện, con đường đúng đắn trong việc phát huy ánh sáng của đấng Thích Tôn, thể hiện tinh thần yêu nước, lợi đạo, ích đời trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo”.
Nhân đó, bài diễn văn của Hoà thượng cũng kêu gọi: “Chúng ta lấy Bát Chánh đạo làm phương châm tu tập và hoạt động giúp đời. Đức Phật giảng cho Tôn giả A-nan về Bát Chánh đạo và gọi đó là truyền thống tốt đẹp, cần phải duy trì, cần phải thực hiện trong hiện tại và trong tương lai. Ngài dạy, “Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, hãy tiếp tục duy trì, chớ có thành người tối hậu sau Ta”. Với lòng Đại từ, Ngài thành lập Giáo hội, giảng pháp tối thiện, là đấng Đại trí, Đại bi cho chúng ta nương dựa. Ngài tuyên bố, “Ta giảng pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có ý nghĩa, có văn, trình bày đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam nữ cư sĩ vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ nương tựa”.
Mỗi thành viên của Giáo hội chúng ta cần trau dồi trí tuệ và đạo đức, ra sức tu tập, thực hành Phật sự để ngày càng hoàn thiện, xứng đáng nối tiếp truyền thống của Giáo đoàn Thánh đệ tử Phật; trau dồi trí tuệ, đức hạnh, vì lợi ích của số đông trên đường cùng tiến đến giải thoát tối hậu. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta trước khi quy y đã ca ngợi hội chúng của Đức Phật như sau: “Thưa Tôn giả Gotama, ví như sông Hằng hướng về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng lại khi xúc chạm với biển cả. Cũng vậy, hội chúng của Tôn giả Gotama gồm có giới xuất gia và tại gia, hướng về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, liền đứng lại khi xúc chạm với Niết-bàn. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama…”.
Điều chung nhất của các tôn giáo là niềm tin. Niềm tin là niềm tin vào trí tuệ và từ bi của Đấng Giáo chủ, tin vào giáo pháp của Ngài và tin vào tập thể tu tập, thực hành giáo lý của Ngài. Đức Phật dạy,“Này các Tỳ-kheo, đối với một đệ tử có lòng tin giáo pháp của bậc Đạo sư và sống thể nhập giáo lý ấy, vị ấy sẽ chứng được một trong hai quả, Chánh trí trong hiện tại, hoặc nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn”. Niềm tin trong Phật giáo bao hàm sự tự tin; việc thực hành Bát Chánh đạo đòi hỏi sự tự tin cao độ. Tin Phật là tin chính mình vì Phật ở trong tâm mỗi người. Mỗi thành viên của Giáo hội tự tin, tin ở con đường vì Đạo vì Đời của Giáo hội, ở sự phát triển đúng đắn, ở những thành tựu tốt đẹp của Giáo hội. Như  thế là góp phần xây dựng Giáo hội tự tin, ổn định, vững mạnh và không ngừng phát triển”.
Hoà thượng cũng đã bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào tương lai tương sáng của Giáo hội trong phần kết luận: “Tôi tin tưởng vào trí tuệ tập thể, vào tinh thần đoàn kết của toàn thể chư vị đại biểu, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mong sao Giáo hội đạt những thành tựu ngày càng tốt đẹp, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Ngưỡng cầu Tam bảo gia hộ cho đất nước Việt Nam được cường thịnh, nhân dân hạnh phúc, thế giới hòa bình và hết thảy chúng sinh được an lạc”.
Sau diễn văn khai mạc của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS do HT.Thích Chơn Thiện tuyên đọc, đại diện Tăng Ni, Phật tử thủ đô, TP.Hồ Chí Minh, các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc dâng hoa chào mừng Đại hội.


HT.Thích Thiện Nhơn trình bày Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI

HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS đã đọc bản tóm tắt báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012):
"Trong 5 năm qua, Phật giáo cả nước đã chung sức, chung lòng làm nên những thành tựu hoạt động Phật sự quan trọng trong việc phát triển Phật giáo, góp phần xây dựng đất nước.
58 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo trên toàn quốc đến thời điểm này đã được thành lập và hoạt động ổn định, thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương và Tỉnh, Thành hội theo quy chế do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành. Tuy vậy, công tác thành lập Ban Đại diện Phật giáo ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt nhân sự, dù Trung ương Giáo hội đã trao đổi với lãnh đạo các tỉnh về các mặt có liên quan, để có thể tiến tới Hội nghị thành lập Ban Đại diện Phật giáo các tỉnh nêu trên. Giáo hội cũng đã thực hiện khắc và trao 9 con dấu tròn cho các Ban, Viện Trung ương; hỗ trợ Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội khắc và trao 419 con dấu tròn cho Ban Đại diện Phật giáo cấp quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh và 5.988 con dấu tròn cho các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường; một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo đang tiếp tục tiến hành khắc dấu tròn cho các cơ sở tự viện.
- 2008 là năm mà Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc do Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Việt Nam. Đại lễ được Chính phủ Việt Nam, Trung ương GHPGVN và Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội từ ngày 14 đến 16-5-2008 với sự chứng minh, tham dự của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội các cấp; Đại diện Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Tôn giáo, Mặt trận; các vị Tăng thống, Phó Tăng thống, lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo; đại diện tổng thống, thủ tướng, lãnh đạo một số quốc gia…; đại diện Liên Hiệp Quốc, UNESCO tại Hà Nội; các đoàn đại biểu Phật giáo của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịp này, các hoạt động về văn hóa Phật giáo đã diễn ra liên tục, sôi nổi, thu hút được sự tham gia của Tăng Ni, Phật tử và các đoàn khách quốc tế.
Năm 2009, Giáo hội chỉ đạo Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI tại Việt Nam - TP.HCM từ ngày 28-12-2009 đến ngày 3-1-2010 tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh - chùa Phổ Quang, quận Tân Bình. Có trên 2.500 đại biểu trong nước và 380 đại biểu quốc tế đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đây là lần đầu tiên Ni giới Phật giáo Việt Nam tổ chức hội nghị có tầm vóc quốc tế thành công tốt đẹp.
700 năm kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng tổ chức “Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn”, vào các ngày 25, 26, 27-11-2008 tại Quảng trường Lễ hội Núi Yên Tử, với khoảng hơn 40 ngàn Tăng Ni, quan khách và đồng bào Phật tử tham dự. Từ đó, ngày 1-11 âm lịch hàng năm, lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông trở thành một trong những ngày lễ trọng của GHPGVN để tôn vinh những công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp. Trong 5 năm qua, Giáo hội cũng đã tổ chức nhiều lễ hội lớn như: Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 27-7 đến 2-8-2010 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và một số địa điểm khác thành công viên mãn, lưu lại dấu ấn tốt đẹp đối với cộng đồng xã hội trong nước và bạn bè quốc tế; Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN được trọng thể tổ chức tại Hội trường Bảo tàng Phật giáo Việt Nam trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội; Lễ cung nghinh Ngọc xá-lợi Phật và Thánh tăng về chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương Giáo hội và chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
46.699 là số lượng Tăng Ni cả nước, bao gồm 34.062 Tăng Ni Bắc tông; 8.574 Tăng Ni Nam tông Khmer, 805 Tăng Ni Nam tông Kinh, 3.258 Tăng Ni Khất sĩ v.v... tu học tại 17.287 cơ sở tự viện.Nhiệm kỳ VI vừa qua, Ban Tăng sự Trung ương đã cấp 5.715 Giấy chứng nhận Tăng Ni trong cả nước, đổi mới 141 Giấy chứng nhận Tăng Ni, cấp 40 Giấy chứng nhận tu sĩ Nam tông Khmer; tổ chức an cư kiết hạ từ 25.000 đến 30.000 Tăng Ni an cư tập trung và Tăng Ni an cư tại chỗ, tổ chức 56 giới đàn với 21.101 giới tử thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni và hàng ngàn giới tử phát nguyện thọ Thập thiện và Bồ-tát giới; bổ nhiệm 143 Tăng Ni trụ trì, bổ nhiệm 133 Ban hộ tự, Ban quản trị các cơ sở tự viện của Giáo hội trong toàn quốc; công nhận 225 cơ sở mới xin gia nhập Giáo hội; tổ chức các khóa bồi dưỡng trụ trì, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho 12.695 lượt Tăng Ni, cư sĩ là các thành viên Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo, Tăng Ni trụ trì, chuẩn bị trụ trì các cơ sở tự viện tham dự. Ngoài ra, Giáo hội đã bổ nhiệm, hợp thức hóa cho 520 vị trụ trì, khắc dấu cho 430 cơ sở tự viện, công nhận Ban quản trị 452 cơ sở Phật giáo Nam tông Khmer.
31 là số trường trung cấp Phật học trong cả nước, gồm phía Bắc có 5 trường (TP.Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh), phía Nam có 26 trường (TP.Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Gia Lai). Từ niên khóa 2007 đến 2012 đã có 2.430 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo 3.254 Tăng Ni sinh trung cấp Phật học. Ngoài ra, Giáo hội hiện có 3 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh và 1 Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ hoạt động ổn định, phát triển với 2.210 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, đang đào tạo 1.732 Tăng Ni sinh; 8 lớp cao đẳng Phật học đang hoạt động theo hệ thống trường trung cấp Phật học với 1.127 Tăng Ni sinh tốt nghiệp và 814 Tăng Ni sinh đang theo học; đang đào tạo thí điểm cao học Phật học với 155 Tăng Ni sinh theo học; hơn 2.500 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và trên 1.600 Tăng Ni sinh đang theo học chương trình sơ cấp Phật học tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc. Để phát triển, nâng cao hệ thống giáo dục đào tạo của GHPGVN, theo đề nghị của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tại Công văn số 1171/VPCP-NC ngày 13-10-2011 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Trung ương Giáo hội mở thí điểm đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam - TP.Hồ Chí Minh. Ngày 11-4-2012, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã chính thức khai giảng khóa I (2012-2014), có 155 Tăng Ni sinh theo học.
233 là số Tăng Ni tốt nghiệp các khóa đào tạo trung, cao cấp giảng sư trong 5 năm qua, hiện có 109 Tăng Ni sinh theo học khóa tiếp theo tại TP.HCM. Nhiệm kỳ qua, ngành hoằng pháp đã tổ chức thành công 7 khóa bồi dưỡng, hội thảo và tập huấn hoằng pháp viên tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hải Phòng, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương. Ngoài ra, chư tôn đức Giảng sư đoàn Trung ương đã tham gia phái đoàn Trung ương Giáo hội thực hiện các chuyến hoằng pháp đặc biệt tại châu Âu như Cộng hòa Czech, Ba Lan, Ucraina, Hungary, Đức, Nga và Pháp.
960 là số đạo tràng Bát quan trai dành cho 174.883 Phật tử tham dự trong cả nước. Ngoài ra còn có 27 đạo tràng tu Thiền với 8.725 Phật tử; 362 đạo tràng Niệm Phật với 36.868 Phật tử; 226 đạo tràng Pháp Hoa với 39.722 Phật tử; 59 khóa tu Một ngày an lạc với 7.550 Phật tử; 1.163 mô hình tu học khác với 174.374 Phật tử; 118 lớp giáo lý với 12.522 Phật tử; 92 giảng đường với 19.030 Phật tử; 99 câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử với 7.405 thanh thiếu nhi tham dự. Cả nước cũng có 1.006 đơn vị Gia đình Phật tử đăng ký sinh hoạt tại 31 tỉnh, thành (phía Bắc có 5 tỉnh, thành) với 8.261 huynh trưởng và 65.276 đoàn sinh sinh hoạt ổn định trong lòng Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành. Nhiệm kỳ qua, Ban Hướng dẫn Phật tử TƯGH đã tổ chức 4 hội thảo chuyên ngành tại Đắk Lắk, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng…; kỷ niệm 60 năm danh xưng Gia đình Phật tử Việt Nam tại chùa Trúc Lâm, TP. Huế với hơn 6.000 huynh trưởng, đoàn sinh tham dự; tổ chức hội trại, khóa tu mùa hè dành cho hơn 100.000 sinh viên học sinh, thanh thiếu nhi Phật tử; kết hợp Báo Giác Ngộ tổ chức, thực hiện chương trình “Tiếp sức mùa thi” từ năm 2009 đến nay, bảo trợ gần 15.000 thí sinh và thân nhân thí sinh về chỗ trọ và cơm chay miễn phí; phối hợp với Ban Trị sự Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước tổ chức 4 Đại lễ quy y cho 10.311 đồng bào dân tộc; cùng Phân ban Gia đình Phật tử thành lập Hội đồng xét xếp cấp Tấn cho 152 huynh trưởng thuộc 16 tỉnh thành.
4 Tuần Văn hóa Phật giáo được tổ chức thành công tại Thừa Thiên Huế (2 lần), Khánh Hòa, Nghệ An. Hoạt động văn hóa Phật giáo nhiệm kỳ qua cũng khá sôi nổi khi Ban Văn hóa Trung ương đã xuất bản trên 200 đầu kinh sách, các tác phẩm, tuyển tập nghiên cứu của Tăng Ni và nhiều tác giả khác; Tổ In ấn và Phát hành kinh sách Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh đã in 240/343 đầu sách đăng ký và nhiều ấn phẩm văn hóa Phật giáo có giá trị truyền bá Chánh pháp, tổng số ấn phẩm là 290.000 bản; đã có 14 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo tiến hành biên soạn hoàn tất quyển “Lược sử Phật giáo và các ngôi chùa trong tỉnh”; nhiều tạp chí, báo, các website có nội dung về Phật giáo được ấn hành và thiết lập.
32 Đại lễ cầu siêu và an táng hài cốt của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Đại lễ cầu siêu và khánh thành 3 ngôi chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa; Đường 9, tỉnh Quảng Bình; Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Trị; nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên Phủ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Côn Đảo – Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đài tưởng niệm Liệt sĩ huyện Bình Sơn và Quảng Ngãi  v.v… được tổ chức trong nhiệm kỳ qua. Ngoài ra, Ban Nghi lễ Trung ương hỗ trợ tổ chức Lễ kỷ niệm Bồ-tát Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đại lễ kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Lễ kỷ niệm 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch, lễ kỷ niệm chư sơn thiền đức Hội đồng Trưởng lão của các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ đã viên tịch; tổ chức lễ tang, lễ tưởng niệm chư tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, giáo phẩm Tăng Ni Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo viên tịch; biên soạn Kinh nhật tụng tiếng Việt và tổ chức hội thảo chuyên ngành.
Gần 2.880 tỷ đồng là tổng số tiền dành cho công tác cứu trợ của Phật giáo suốt nhiệm kỳ qua. Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử cả nước đã nỗ lực hỗ trợ 22.028 ca mổ đục thủy tinh thể, 200 căn nhà tình nghĩa, 1.876 căn nhà tình thương, 422 căn nhà đại đoàn kết, 30 lớp học tình thương, 3 trường mẫu giáo; ủng hộ và nuôi dưỡng trên 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây 250 cây cầu bê-tông, đổ 27.000m đường xi-măng, 370 chiếc xuồng, khoan 1.510 giếng nước sạch, tặng 1.326 xe lăn, 165 xe lắc, 100 xe trợ đi, 1.000 xe đạp, 180 bộ máy vi tính cho học sinh; hàng trăm ngàn tấn gạo, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, nuôi cô nhi, trẻ khuyết tật, khiếm thị, người già neo đơn, trợ cấp lương giáo viên các lớp học tình thương; xây 2 lò hỏa táng từ thiện, hỏa táng trên 2.300 ca v.v... Toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc; trên 10 phòng khám Tây y, Đông - Tây y kết hợp đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng; có trên 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật,... với hơn 20.000 em; 20 cơ sở nhà dưỡng lão nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già.
16 là số tổ chức Phật giáo quốc tế và quốc gia mà Phật giáo Việt Nam thiết lập các quan hệ thân thiết. Trong tinh thần đó, Giáo hội đã tiếp phái đoàn Tổ chức Liên minh Phật giáo Lào; đoàn Phật giáo Bhutan; đoàn Bộ Tôn giáo Myanmar; tiếp ông Min Khin, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi-Tôn giáo Chính phủ Vương quốc Campuchia; tiếp đoàn chư tôn giáo phẩm Phật giáo các nước: Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, lãnh thổ Đài Loan; tiếp ngài Đại sứ Pakistan Shahid và Đại sứ Bangladesh Chakma tại Việt Nam; tiếp xúc và trao đổi với phái đoàn Diễn đàn Hợp tác Văn hóa Á châu và chùa Lục Tổ - Quảng Đông, Trung Quốc; tiếp đoàn Văn phòng Thanh tra Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) tại Văn phòng Trung ương Giáo hội và một vài đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo; Đoàn đại diện Trung ương GHPGVN cũng chính thức thăm hữu nghị Phật giáo Vương quốc Campuchia; tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề về văn hóa, đạo đức, giáo dục Phật giáo và môi trường, góp phần trao đổi những kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đối với các nước Phật giáo trong khu vực và trên thế giới.
11 là số Ban chuyên môn hoạt động thuộc Viện - Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.Viện đã tổ chức phân công phân việc cụ thể cho từng thành viên và ổn định về tổ chức, văn phòng và hoạt động có hiệu quả, cụ thể trong suốt nhiệm kỳ VI. Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội về nhân sự, văn phòng làm việc ổn định và hoạt động bình thường theo chức năng chuyên môn và nhiệm vụ của Phân viện, phục vụ sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Giáo hội. Tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội vẫn xuất bản đều đặn 2 tháng/kỳ, đã góp phần phát huy tính trong sáng và tích cực của giáo lý đạo Phật, đáp ứng nhu cầu học tập Phật pháp của Tăng Ni, Phật tử cũng như các nhà nghiên cứu Phật học. Ban Thư viện thuộc Viện đã biên mục được 10.200 cuốn sách với 4.500 đầu sách gồm các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật, Pali...
Kết luận báo cáo, HT.Thích Thiện Nhơn khẳng định: "Qua 5 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu được nhiều Phật sự trọng đại. Có được những thành tựu đó chính là do Giáo hội có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Đường hướng đó chính là “Trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội”, đoàn kết, hòa hợp Phật giáo và phát huy truyền thống ngàn đời hòa quyện giữa Phật giáo với Dân tộc như “sữa hòa trong nước” trên con đường phát triển của Giáo hội theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Chính trên nền tảng đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra và thực hiện thành công Chương trình 6 điểm của nhiệm kỳ VI.
Yếu tố cơ bản để thực hiện đường hướng cũng như tạo nên những thành tựu nói trên là do sự lãnh đạo nhất quán, xuyên suốt của Trung ương Giáo hội với ý thức vun bồi, bảo vệ sự nghiệp đoàn kết, thống nhất Phật giáo Việt Nam và tôn trọng truyền thống tu học đúng Chính pháp.
Giáo hội cũng mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét đánh giá đúng đắn những ưu, khuyết điểm và những mặt hạn chế, tồn đọng, khó khăn trong 5 năm qua, để rút kinh nghiệm tạo cơ sở nhận thức, đề ra chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ tiếp theo. Tất cả Tăng Ni, Phật tử chúng ta nhất tâm phát huy những kết quả tốt đẹp đã thành tựu, những nội dung tư duy tích cực đã tích luỹ, thống nhất ý chí và hành động để phấn đấu hoàn thành Chương trình hoạt động của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đề ra.
Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng rằng, với sức mạnh đồng tâm hiệp lực phục vụ Đạo pháp và Dân tộc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như các cơ quan, ban ngành hữu trách các cấp và nhân dân cả nước, nhất định sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân loại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đạt những thành quả to lớn, sâu sắc, bền vững và tốt đẹp hơn nữa.
Với tinh thần đó, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hãy quán triệt tinh thần, nội dung Chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII, ứng dụng hài hoà với tình hình xã hội, đất nước và thế giới có nhiều cơ duyên thuận lợi, đồng thời đòi hỏi phải khắc phục không ít khó khăn trên đường đi tới, để công đức tu học, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của mỗi thành viên Giáo hội không ngừng tinh tiến, các mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội đều hoàn thành viên mãn, tiếp tục làm trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc, cùng cả nước vững bước tiến lên theo sự phát triển của xã hội và thế giới trong thời kỳ hội nhập, trong một thế giới hòa bình và thịnh vượng của thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo".


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội

Tiếp theo chương trình khai mạc, ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu.
Theo đó, Phó Thủ tướng bày tỏ: "Tôi rất vui mừng được mời dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 tổ chức tại thủ đô Hà Nội hòa bình, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử của chúng ta. Trong không khí trang nghiêm, trọng thể này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới chư vị tôn túc giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, gửi tới quý vị đại biểu dự Đại hội lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc quý vị sức khoẻ và an lạc.
Tôi gửi lời chào nồng nhiệt và chúc sức khoẻ tới các vị khách quý đại diện Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng các vị đại biểu dự Đại hội lần thứ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Xin gửi tới Đại hội và toàn thể quý vị lời chào trân trọng và những tình cảm thắm thiết. Chúc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công viên mãn".
Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật không chỉ ở Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo kiều bào ta theo Phật giáo ở nước ngoài. Để tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, ngay từ đầu năm 2012, các tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ cấp cơ sở để tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng công tác nhiệm kỳ tới và tham gia góp ý vào dự thảo Hiến chương sửa đổi lần thứ 5 để thông qua tại Đại hội này. Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam nói chung, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo có truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Qua hai nghìn năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, trở thành tôn giáo đồng hành, gắn bó với truyền thống dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đã tập hợp được lực lượng tín đồ đông đảo để xiển dương các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của chúng sinh, vì hòa bình của đất nước và nhân loại. Mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam đã minh chứng sinh động cho tư tưởng nhập thế tích cực, ích đạo lợi đời trong giáo lý Phật Đà và thực tế Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, với đường hướng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", trong những năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hoà hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Phật giáo và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã làm tốt vai trò, khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân tộc.
Tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, với trí tuệ Phật giáo, với tinh thần đoàn kết lục hòa của Tăng Ni, Phật tử, với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, và phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời làm phương tiện để tu hành đạt giác ngộ, giải thoát; khẳng định và xiển dương những giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, để xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm, nương cậy của Tăng Ni, Phật tử và đồng bào có thiện cảm với Phật giáo trên toàn quốc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về, chung tay cùng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Tại Đại hội này, ngoài nội dung quan trọng là kiểm điểm công tác nhiệm kỳ vừa qua, thống nhất đề ra phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ tới; bàn bạc và thống nhất việc tu chỉnh Hiến chương và tấn phong giáo phẩm…, tôi mong rằng, chư vị tôn túc đại biểu dự Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn và suy tôn, suy cử những vị chức sắc có có đạo hạnh và trí tuệ, đủ uy tín và năng lực, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm” đảm trách các vị trí lãnh đạo trong bộ máy tổ chức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đảm bảo kế thừa, ổn định và phát triển trong nhiệm kỳ tới; động viên Tăng Ni, Phật tử cùng toàn dân thực hiện tốt các chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, sống hài hoà, đoàn kết hoà hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác và với những người không theo tôn giáo nhằm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện phương châm tốt đạo, đẹp đời".
Phần cuối của phát biểu, Phó Thủ tướng nói: "Tôi cũng mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta".
Quý HT.Thích Chơn Thiện, HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Trí Quảng,HT.Thích Thiện Nhơn đón bức trướng của Chính phủ

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tặng GHPGVN bức trướng với nội dung "PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘ QUỐC AN DÂN".

Bà Hà Thị Khiết tặng hoa chúc mừng

Đại hội cũng đã đón nhận các lẵng hoa chúc mừng của bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; HDND - UBND - UBMTTQVN TP.Hà Nội cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ...


Ông Phạm Dũng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng


Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN phát biểu

Sau lời chào mừng, ông Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã bày tỏ niềm vui mừng trước các thành tựu của GHPGVN: “Uỷ ban Trung ương MTTQVN vui mừng nhận thấy rằng: Trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội đã chung tay xây dựng và phát triển Giáo hội trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo hội đã động viên Tăng Ni, Phật tử trong cả nước và bà con Phật tử ở nước ngoài hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống "tốt đời, đẹp đạo", đặc biệt là tham gia các cuộc vận động lớn như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"..., đồng thời đẩy mạnh phong trào "Xây dựng chùa tinh tiến" ở nhiều địa phương, với nhiều hoạt động thiện tâm công đức, từ thiện nhân đạo… góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Quan hệ quốc tế của Giáo hội cũng tiếp tục được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Uỷ ban Trung ương MTTQVN đánh giá cao, trân trọng biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng những đóng góp thiết thực của Giáo hội và toàn thể Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ qua.
Trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, ông Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN kêu gọi đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng về sự thành công của Đại hội lần thứ VII của GHPGVN: “Tôi mong rằng các chư tôn đức giáo phẩm, quý vị Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ phát huy mạnh mẽ tinh thần lục hòa cộng trụ, dân chủ thảo luận để tu chỉnh, bổ sung và xây dựng Hiến chương của Giáo hội trên tinh thần đổi mới và hội nhập quốc tế. Đảm bảo Hiến chương vừa thể hiện được bản sắc của Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng của các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong nước và cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài đã gia nhập Giáo hội, vừa thể hiện tinh thần mở cửa, hội nhập, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, cơ chế vận hành bộ máy của Giáo hội ở các cấp.
Tôi cũng tin tưởng, Đại hội sẽ suy tôn, suy cử được Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự có khả năng tăng cường đoàn kết hoà hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ, các vùng miền; có khả năng xiển dương các giá trị đặc sắc của các hệ phái Phật giáo Việt Nam; mở rộng và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết thân ái giữa Phật giáo với các tôn giáo ở Việt Nam và đồng bào Phật tử Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở xa Tổ quốc luôn hướng về cội nguồn, góp sức cùng nhân dân trong nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Phật giáo Việt Nam.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tin tưởng, với truyền thống yêu nước, luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc và sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của Nhà nước, Mặt trận và các thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong nhiệm kỳ VII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò thành viên của MTTQ Việt Nam, đảm đương tốt vai trò là tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cả ở trong nước và ở nước ngoài, tiếp tục phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân" và phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Ngài Đại Tăng thống PG Vương quốc Campuchia phát biểu chào mừng

Đại diện các đoàn Phật giáo quốc tế tham dự đại hội, ngài Đại Tăng thống Phật giáo Vương quốc Campuchia - HT.Tep Vong đã phát biểu chào mừng. Theo đó, ngài Đại Tăng thống bày tỏ niềm hoan hỷ được tham dự và chứng kiến sự phát triển của GHPGVN qua những thành tựu đã được báo cáo tại Đại hội. Sự phát triển đó phù hợp với truyền thống tốt đẹp theo lời Đức Phật dạy vì lợi ích, vì an lạc cho số đông. Ngài Đại Tăng thống cũng đã tặng món quà văn hóa ý nghĩa theo phong cách mỹ thuật Campuchia.
HT.Thích Thanh Nhiễu thay mặt Chủ toạ đoàn đã có lời đáp từ. Theo đó, Hoà thượng bày tỏ lòng cảm ơn đối với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Trung ương MTTQVN, chư vị khách quý đại diện Phật giáo các nước, đặc biệt là ngài Đại Tăng thống Phật giáo Vương quốc Campuchia đã thân lâm dự lễ khai mạc, phát biểu và có những món quà tinh thần ý nghĩa tặng GHPGVN nhân Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.


HT.Thích Gia Quang trình bày dự thảo Chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII

Thay mặt Ban Thư ký, HT.Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I TƯGH trình bày trước đại hội dự thảo Chương trình hoạt động của GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012-2017):
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) đã  đạt được những thành tựu Phật sự to lớn trong bối cảnh đất nước phát triển bền vững mọi mặt, đặc biệt về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội ổn định. Thành tựu này, đã khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Giáo hội vững mạnh và không ngừng phát triển. Đây chính là hệ quả tất yếu của sự đoàn kết, hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh, Tăng Ni, Phật tử, các hệ phái Phật giáo và cơ sở tự viện, được đánh giá qua Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2011).
Với chính sách đổi mới, mở rộng giao lưu, đa dạng hóa đa phương hóa trong quan hệ Quốc tế của Đảng và Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng được sự đồng tình, hợp tác của nhiều tổ chức, hội đoàn, cơ sở Phật giáo tại nhiều nước trên thế giới, thu hút được sự ủng hộ của đa số Tăng Ni, Phật tử người Việt Nam ở hải ngoại để cùng chung lo cho Đạo pháp và Dân tộc trong những thập niên đầu thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập.
Với chủ đề của Đại hội “Kế thừa – Ổn định – Phát triển”, căn cứ tình hình thực tế và báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007 - 2012), những ý kiến, tham luận tại hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội, hội nghị sinh hoạt Giáo hội, những góp ý gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội và đăng tải trên Báo Giác ngộ, Tạp chí Phật giáo, những ý kiến phát biểu tham luận tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) được hoạch định như sau:
I. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG TỔNG QUÁT
A. XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI BẰNG NGUYÊN TẮC PHÁT HUY TINH THẦN ĐOÀN KẾT, HÒA HỢP VÌ ĐẠO PHÁP, DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
1. Phát huy tối đa truyền thống đoàn kết, hòa hợp, tuân thủ nguyên tắc của tổ chức Giáo hội và đảm bảo thực hiện đúng phương châm hành đạo: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; lấy pháp Lục hòa và Tứ nhiếp làm nguyên tắc cộng trụ, đồng hành đồng sự trong kiện toàn nhân sự từ Trung ương đến địa phương, từng hệ phái, cơ sở tự viện của Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước khi triển khai thực hiện các Phật sự của Giáo hội.
2. Thành viên của Giáo hội cần quán triệt Hiến chương đã được tu chỉnh, Quy chế, Nội quy các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh, triển khai và thực hiện một cách có hiệu quả; Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội thường xuyên tổ chức khóa bồi dưỡng hành chánh, bồi dưỡng kiến thức về thời sự, pháp luật theo tiêu chí lợi Đạo ích Đời; tọa đàm, hội thảo chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ để triển khai Hiến chương, Nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội đến các hệ phái, tự viện, Tăng Ni và Phật tử trong cả nước.
3. Đối với các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Trung ương Giáo hội sẽ luôn luôn quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để công tác Phật sự tại địa phương được hanh thông và đồng bộ trong sự vận hành chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có lịch tiếp và làm việc với Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo khi có yêu cầu. Cử đoàn công tác Giáo hội về thăm và trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động của các Tỉnh, Thành theo từng quý, từng năm.
4. Tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung ương Giáo hội, Ban, Viện Trung ương và các cấp Giáo hội địa phương; thực hiện trọn vẹn sự thống nhất trong đa dạng, đồng thuận trong các Phật sự, đánh giá đúng mức những gì đã làm được, những gì chưa làm được, tìm ra nguyên nhân để phát huy những thành tựu và khắc phục những mặt hạn chế.
5. Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo cần phát huy chức năng, nhiệm vụ trong các công tác Phật sự; thực hiện tốt sự gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp với chính quyền, mặt trận địa phương trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan. Chú trọng đến các phong trào, công tác ích nước lợi dân, xem đó là những Phật sự thể hiện sự năng động, sáng tạo hài hòa của từng đơn vị Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo trong cộng đồng xã hội theo từng địa phương.
6. Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo cần vận động, tuyên truyền sâu rộng đến Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam phương châm sống vì Đạo pháp và Dân tộc, góp phần xây dựng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
B. HOẰNG DƯƠNG CHÍNH PHÁP, TRUYỀN BÁ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO, GÓP PHẦN XÂY DỰNG XÃ HỘI AN VUI, HẠNH PHÚC, PHÙ HỢP VỚI ĐẠO ĐỨC, VĂN HOÁ, TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC.
1. Tạo điều kiện thuận tiện cho Ban Hoằng pháp tổ chức các khoá bồi dưỡng, đào tạo giảng sư để bổ sung nguồn nhân sự cho đoàn Giảng sư Trung ương và  Tỉnh, Thành hội Phật giáo; Ban Hoằng pháp cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung học tập và đào tạo Hoằng pháp viên; phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức thuyết giảng Phật pháp cho quần chúng Phật tử tại nhiều khu vực khác nhau, tổ chức hội thi giáo lý cho Cư sĩ Phật tử cấp Tỉnh, Thành và Trung ương; ấn hành tài liệu diễn giảng, học tập cho Tăng Ni, Phật tử nghiên cứu, giảng dạy.
2. Ban Hướng dẫn Phật tử cần chú trọng đến việc hướng dẫn, đưa vào nề nếp sinh hoạt Gia đình Phật tử theo Hiến chương và Nội quy đã được tu chỉnh, thống kê số lượng cụ thể đơn vị, đoàn sinh, tổ chức các lễ thọ Cấp. Triển khai chương trình tu học và huấn luyện đã được tu chỉnh, nhằm thực hiện tốt việc sinh hoạt, tu học, trau dồi đạo đức, phẩm hạnh cho Huynh trưởng và đoàn sinh thành người Phật tử chân chính góp phần phụng sự Chánh pháp, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội phát triển, đạo đức nhân bản. Chú trọng đến công tác phụ trách Thanh, Thiếu niên Phật tử, Câu lạc bộ Thanh niên, Thiếu niên Phật tử và Ban Liên lạc Phật tử hải ngoại. Tổ chức những lớp giáo lý và sinh hoạt cho tuổi trẻ tại các chùa, tự viện… chưa tổ chức được Gia đình Phật tử. Qua nội dung của những thời giảng Phật pháp, khoá tu thiền, đạo tràng niệm Phật, bát quan trai, một ngày an lạc, Phật thất, thiền thất… Ban Hướng dẫn Phật tử cần khuyến khích Phật tử làm việc đạo, tham gia từ thiện, công ích, sống và làm việc theo pháp luật để góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại khu dân cư, triển khai tốt chương trình “Phật hóa gia đình” cho tín đồ Phật tử tại gia.
3. Tăng cường hoạt động từ thiện xã hội, thăm viếng, ủy lạo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, người già neo đơn; mở rộng hệ thống Tuệ Tĩnh đường, trung tâm phát thuốc đông tây y miễn phí, trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhở, khuyết tật, nhà dưỡng lão; vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết và chương trình phúc lợi xã hội của địa phương; nhân rộng mô hình bếp ăn từ thiện, điểm phát tặng phẩm cho đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, chú trọng đến việc thành lập phòng khám Đa khoa, Y viện, bệnh viện Phật giáo; quan tâm đến công tác tổ chức cơ sở từ thiện tư vấn, tiếp nhận, chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS; thành lập trung tâm cai nghiện ma túy hoặc tham gia giáo dục và cải hướng đối với những nạn nhân HIV/AIDS. Thực hiện có hiệu quả chương trình “sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” tham gia phòng chống HIV/AIDS do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, chủ trương và cam kết thực hiện.  
4. Tự viện phải là môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, hướng dẫn Phật tử tin Tam bảo, là nơi an tịnh tâm hồn cho quần chúng Phật tử, có định hướng phù hợp thời đại để thu hút Phật tử đủ mọi lứa tuổi và mang tính chất của một trung tâm văn hoá, hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Các nghi lễ phải đúng chính pháp, tránh lãng phí, không mang hình thức mê tín đị đoan.
5. Cần Việt hóa các nghi lễ Phật giáo, biên soạn nghi lễ thống nhất cho những ngày lễ lớn của Phật giáo, ấn hành quyển Kinh nhật tụng bằng tiếng Việt. Soạn giáo án giảng dạy nghi lễ cho Tăng Ni sinh các trường, lớp Phật học, Tăng Ni An cư Kiết hạ. Tổ chức Hội thảo về Nghi lễ tại Trung ương và địa phương.
6. Ban Văn hóa phối hợp với Viện, Phân viện Nghiên cứu Phật học, Học viện Phật giáo, chư Tôn đức Giảng sư, nhà nghiên cứu Phật học, nhà báo Phật giáo, văn gia, nghệ sĩ Phật giáo để có những tác phẩm Phật học có giá trị, mang tính thiết thực, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, nhất là giới trẻ. Những hình thức truyền thống như băng, đĩa về âm nhạc, kịch, văn nghệ, thuyết giảng Phật pháp cần được phổ biến rộng rãi và hợp pháp để đưa Phật pháp, văn hoá, đạo đức Phật giáo vào đời sống xã hội. Xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo,  nhà Truyền thống Phật giáo, thư viện Phật giáo tại Trung ương và địa phương.
7. Phát triển văn hoá Phật giáo đến vùng sâu, vùng xa; thành lập các lớp xóa mù chữ và nâng cao chất lượng phòng đọc sách báo, ấn hành tài liệu giáo lý, kinh tụng bằng tiếng dân tộc. Nỗ lực xây dựng tự viện, niệm Phật đường tại những vùng kinh tế mới, vùng giãn dân; xây dựng mô hình tự viện văn minh tinh tiến phù hợp với truyền thống văn hóa Phật giáo và xu hướng phát triển của thời đại.
8. Các Tờ báo viết, báo nói, báo điện tử, kênh Truyền hình An Viên thuộc Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội tiếp tục phát huy thế mạnh tuyên truyền về hoằng pháp, văn hóa, đạo đức Phật giáo cho Tăng Ni, đồng bào Phật tử  trong nước và nước ngoài; vận động Tăng Ni, Phật tử sống và làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật Nhà nước và theo luật Phật chế định, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
C. GIÁO DỤC ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ TĂNG NI TRẺ CÓ ĐẠO HẠNH, NĂNG LỰC, TRÌNH ĐỘ; VỮNG VÀNG TRONG QUAN ĐIỂM, THÂM HIỂU GIÁO PHÁP, CÓ KIẾN THỨC CHUYÊN SÂU VÀ CHUYÊN MÔN CAO, ĐÁP ỨNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO HỘI TRONG THỜI ĐẠI MỚI.
1. Ban Tăng sự cần quan tâm và hướng dẫn giám sát việc tu tập, sinh hoạt của Tăng Ni tại các tự viện, chú ý đến những sinh hoạt truyền thống như công phu bái sám, nỗ lực tu tập giới định huệ, thiền định, bố tát, an cư... để xây dựng mỗi cơ sở tự viện đúng nghĩa là nơi tu tập, đào luyện người tu sĩ trong nếp sống đạo hạnh, gương mẫu, chùa cảnh văn hóa tinh tiến.
2. Tổ chức các khoá bồi dưỡng trụ trì, biên soạn tài liệu huấn luyện trụ trì để phục vụ cho công tác bồi dưỡng do Trung ương và đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức.
3. Tổ chức đại giới đàn theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, nghiêm túc trong khảo hạch, chú trọng đến truyền thống, hệ phái biệt truyền để tuyển chọn giới tử; vị Thầy tế độ có trách nhiệm xem xét thời gian tu tập, thử thách của giới tử tại tự viện, nếu hội đủ các yếu tố quyết tâm tu học, đạo hạnh vững vàng thì mới giới thiệu cho thọ giới.
4. Cụ thể hoá một số vấn đề liên quan đến Tăng Ni, tự viện của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương theo hướng đảm bảo các pháp môn tu hành đúng chính pháp của mỗi hệ phái Phật giáo được tôn trọng và duy trì.
5. Ban Giáo dục Tăng Ni có kế hoạch cụ thể để thống nhất chương trình học đối với các lớp Sơ cấp, trường Trung cấp, lớp Cao đẳng và Học viện trong cả nước, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục Phật giáo theo nghị quyết Hội thảo Giáo dục Phật giáo năm 2012. Đặc biệt lưu tâm đến sự rèn luyện đạo đức, kỷ luật trong học tập, giữ gìn những giá trị truyền thống Phật giáo. Thường xuyên viếng thăm các cơ sở giáo dục Phật giáo để tìm hiểu tình hình, giúp đỡ và hướng dẫn việc giáo dục đào tạo.
6. Có kế hoạch xây dựng một số Trường Trung cấp Phật học kiểu mẫu, theo chế độ nội trú và chuyên sâu. Về lâu dài, sẽ tiến đến việc tổ chức xây dựng mô hình trường Phật học theo xu thế chung của nhiều nước Phật giáo thế giới. Thành lập Thiền viện, Tịnh viện và hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer thành lập Trung tâm Thiền định.
7. Tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và liên hệ với Nhà nước để xin chuyên đổi hệ thống Lớp Cao đẳng Phật học thành Trường Cao đẳng Phật học; hoàn thiện hóa chương trình đào tạo thí điểm hậu đại học (Cao học Phật học) tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Tp. Hồ Chí Minh, tiến đến việc đào tạo Cao học Phật học và nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ trong nước tại các Học viện Phật giáo Việt Nam.
8. Tổ chức tọa đàm, hội thảo về giáo dục Phật giáo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính học vụ, thư viện và sư phạm. Dự kiến phương hướng xây dựng mô hình trường Đại học với nhiều chuyên khoa.
9. Văn phòng Trung ương, Ban, Viện Trung ương, Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo cần lưu tâm đến đội ngũ Tăng Ni trẻ, nhất là có kế hoạch tiếp nhận Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học, Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật học và nhiều chuyên ngành khác nhằm sử dụng tối đa chất xám, tài năng và tạo điều kiện, giao công việc cụ thể để Tăng Ni trẻ có học vị tham gia chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội một cách có hiệu quả.
10. Quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh người Việt gốc Hoa, Khmer và Dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa; tăng cường hiệu năng quản lý, giảng dạy và học tập tại Học viện, lớp Cao đẳng, Trung cấp và sơ cấp Phật học Vini, Pali dành cho chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Nỗ lực hoàn tất công tác đo đạc, cấp Quyền sử dụng đất, xin cấp phép xây dựng và hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ. Tiếp tục in ấn kinh sách Phật giáo bằng chữ Khmer để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập của Phật giáo Nam tông Khmer.
D. MỞ RỘNG VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VÀ HỌC THUẬT PHẬT GIÁO
1. Viện và Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tăng cường các hoạt động, tiếp nhận thêm thành viên, cộng tác viên, phối hợp với chư Tôn túc, chư vị học giả, giáo sư, giảng sư Phật học và tiến hành công trình nghiên cứu, dịch thuật các ấn phẩm Phật giáo.
2. Đẩy mạnh việc in ấn và phát hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Phật học; tăng cường hiệu năng hoạt động của các thư viện, nhà truyền thống, bảo tàng Phật giáo… Khuyến khích mỗi tự viện, cơ sở Phật giáo thành lập một thư viện hay phòng đọc sách, báo để phổ biến giáo lý Phật giáo, thông tin hoạt động Phật sự của Giáo hội.
3. Nghiên cứu các mô hình văn hoá Phật giáo với mức độ chuyên sâu có liên quan đến lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, nghi lễ, kiến trúc, y học của Phật giáo Việt Nam... Chú trọng đến ảnh hưởng Phật giáo trong văn học nghệ thuật cổ truyền dân gian, trong nếp sinh hoạt làng xã, thị thành. Đúc kết thành một chuyên đề giới thiệu sự gắn bó của Phật giáo đối với đất nước và dân tộc.
4. Tăng cường mối liên hệ, hợp tác thân hữu với Phật giáo các nước trong khu vực và trên thế giới, tổ chức văn hóa, giáo dục của Liên Hiệp Quốc trong việc nghiên cứu, dịch thuật những tác phẩm Phật giáo; thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề nghiên cứu Phật học, văn hóa trong nước và quốc tế.
5. Có kế hoạch vận động tài chính, liên kết với nhà tài trợ để gây quỹ tài trợ cho những công trình nghiên cứu, hội thảo nói trên.
E. ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KINH TẾ TÀI CHÍNH, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỰ TÚC, VẬN ĐỘNG GÂY QUỸ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI VÀ TỈNH, THÀNH HỘI PHẬT GIÁO.
1. Ban Kinh tế tài chính đẩy mạnh các hoạt động kinh tế có lợi nhuận cụ thể, phù hợp với luật pháp và đạo đức Phật giáo; việc cơ cấu nhân sự cần quan tâm đến các Cư sĩ, Phật tử có thiện tâm, kinh nghiệm làm kinh tế. Nghiên cứu thêm những mô hình kinh tế thích hợp từng vùng, mở thí điểm lớp dạy nghề cho Tăng Ni, Phật tử tại một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Có kế hoạch thành lập cơ sở kinh doanh ổn định lâu dài, phòng phát hành kinh sách, văn hóa phẩm Phật giáo, xây dựng lò hỏa táng, phát triển chương trình hành hương, du lịch tâm linh v.v...
2. Khuyến khích chương trình hoạt động kinh tế tự túc tại các tự viện; tổ chức hội thảo, tọa đàm về kinh doanh để rút kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế.
3. Vận động các cơ sở, xí nghiệp, hội đoàn, đồng bào Phật tử hảo tâm trong và ngoài nước, vì sự nghiệp Phật giáo, đóng góp vật chất, tài chính cho những hoạt động Phật sự của Giáo hội.
4. Có kế hoạch cụ thể đối với Tăng Ni, Tự viện về công tác ủng hộ công đức phí, để có đủ điều kiện hoạt động cho Giáo hội và Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Gây quỹ học bổng để cùng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương hỗ trợ cho Tăng Ni sinh trong nước, du học nước ngoài và một số trường lớp có nhiều khó khăn về tài chính.
F. PHÁT HUY TINH THẦN ĐOÀN KẾT CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, ỔN ĐỊNH NẾP SỐNG HIỀN THIỆN Ở MỌI NƠI. CHÚ TRỌNG MỐI QUAN HỆ CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI TĂNG NI, PHẬT TỬ NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI.
1. Tiếp tục phát huy vai trò, khả năng đoàn kết của Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo Quốc tế, Phật giáo các nước trong khu vực, cơ quan, hội đoàn Phật giáo thân hữu. Củng cố và tăng cường mối quan hệ với tổ chức Phật giáo ABCP, Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chánh pháp, IOC để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định. Tiếp tục vận động phục hồi thành viên sáng lập Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hỗ trợ việc ra mắt Ban chấp hành Hội Liên minh Phật giáo Thế giới do Hội truyền giáo A Dục tại Ấn Độ chủ xướng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập.
2. Nỗ lực liên hệ thân hữu để có thêm những cơ sở Phật giáo tại Âu Mỹ và Úc châu nhằm thuận tiện cho việc hợp tác và thông tin Phật sự. Quan tâm giúp đỡ cho Thiền viện Trúc Lâm Paris, Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, Cộng hòa Liên Bang Nga, Séc, Lào, Hungary, Ucraina, Đức, v.v… được ổn định tổ chức và sinh hoạt; tăng cường mối liên hệ với Hội ái hữu Phật tử Âu châu, Tăng Ni, Phật tử người Việt tại nước ngoài.
3. Quan tâm đến công tác đón tiếp các phái đoàn Phật giáo bạn, đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam thăm viếng hữu nghị Giáo hội; Cử phái đoàn tham dự hội thảo, hội nghị Phật giáo quốc tế và khu vực; tham dự Đại lễ Vesak (Phật đản) do Liên Hiệp Quốc tổ chức hàng năm.
4. Thường xuyên cử phái đoàn đại diện Giáo hội thăm viếng hữu nghị các tổ chức Phật giáo thân hữu để trao đổi thông tin, liên lạc, gửi tặng sách báo Phật giáo đến cơ sở tự viện, Tăng Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài; Có chương trình hoạt động cụ thể nhằm thể hiện chính sách đoàn kết, tình đạo, tình quê hương, dân tộc của Giáo hội đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
5. Nỗ lực tạo sự kết hợp, giao lưu trao đổi giữa Phật giáo Nam tông Khmer trong khu vực qua những chuyến thăm hữu nghị, hội thảo quốc tế v.v…
6. Có kế hoạch phân công, phân vùng phụ trách cụ thể trong các mối quan hệ và công tác Phật sự đối với từng thành viên Ban Phật giáo Quốc tế.
II. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:
1. Triệt để tuân thủ Hiến chương Giáo hội, Nội quy, Quy chế Ban, Viện, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đối với các hoạt động  tôn giáo; quán triệt tình hình thực tế để thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm.
2. Tăng cường nhân sự Văn phòng Trung ương Giáo hội, phân nhiệm các bộ phận chuyên trách để liên lạc với Ban, Viện, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội và các Hệ phái Phật giáo; phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký để làm tham mưu cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan.
3. Ban Thư ký soạn thảo và đề xuất biểu mẫu báo cáo công tác sơ kết, tổng kết cho Ban Trị sự, Ban, Viện Trung ương để đúc kết các hoạt động Phật sự mang tính chuyên nghiệp và khoa học.
4. Trung ương Giáo hội theo dõi tình hình Phật sự tại các địa phương, hoạt động của các Ban, Viện, Ban Trị sự Tỉnh, Thành, Ban Đại diện Phật giáo và cơ sở tự viện Phật giáo để kịp thời giúp đỡ, chỉ đạo giải quyết khó khăn, trở ngại. Chú ý đến vấn đề nhân sự, tránh tình trạng cơ cấu nhân sự trùng lặp và kiêm nhiệm quá nhiều công tác; cần biểu dương, tuyên dương công đức những đơn vị, cá nhân một cách công minh trên tinh thần phục vụ, mà thành quả công tác được giao; hoặc khiển trách, góp ý phê bình khi không thực hiện được kế hoạch đã đề ra mà không nêu được lý do chính đáng.
5. Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, dân chủ, tôn trọng tính chính xác, khoa học trong công việc.
Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hoạch định theo tình hình thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển của Giáo hội và kế hoạch 5 năm tới của Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo các Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh trong xu thế hội nhập của Giáo hội và đất nước.
Trong quá trình thực hiện chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII, Giáo hội sẽ vận dụng triển khai theo tình hình thực tế, sự nỗ lực, tinh tế của toàn thể thành viên trong Giáo hội; sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước các cấp, của các tổ chức đoàn thể thân hữu; sự ủng hộ của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước nhằm góp phần to lớn làm cho chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành tựu viên mãn.
Trung ương Giáo hội luôn tin tưởng với trí tuệ tập thể, dân chủ trong thảo luận, sáng suốt trong triển khai thực hiện, nhiệm kỳ VII của Giáo hội sẽ đạt được những thành quả to lớn hơn nữa, tạo được bước tiến mới vững chắc cho sự nghiệp phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mọi lĩnh vực và trên trường quốc tế trong suốt thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo, xứng đáng là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Phiên khai mạc chính thức kết thúc vào lúc 11 giờ 15 phút. Phiên làm việc buổi chiều sẽ bắt đầu từ 14 giờ cũng tại Hội trường Cung Văn hoá Hữu nghị.

Lạy Phật con về- Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc VII: 

https://www.youtube.com/watch?v=2Lm4KUdlWnA

Hoàng Độ - Trí Năng - Vũ Giang - Lương Hoà thực hiện

Nguồn tin: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam